Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng vừa ban hành Quyết định số 2233/QĐ-NHNN về việc Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank) áp dụng Thông tư số 41/2016/TT-NHNN.
Viet Capital Bank là một trong những ngân hàng có quy mô nhỏ nhất hệ thống hiện nay với vốn điều lệ chỉ 3.171 tỷ đồng. 9 tháng đầu năm 2019, Viet Capital Bank chỉ lãi ròng 67 tỷ đồng, giảm gần 42% so với cùng kỳ. |
Theo đó, Viet Capital Bank chính thức áp dụng Thông tư 41/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016, quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (phương pháp tiêu chuẩn của Basel II) kể từ ngày 1/11/2019.
Viet Capital Bank có trách nhiệm thực hiện chuyển hoạt động chính thức từ hệ thống chính sang hệ thống dự phòng đối với hệ thống tính tỷ lệ an toàn vốn theo đúng kế hoạch báo cáo tại Công văn số 2132/2019/CV-QLRR ngày 30/8/2019 để đảm bảo hệ thống có thể hoạt động liên tục trong trường hợp có thảm họa.
Đồng thời, Ngân hàng này phải tuân thủ quy định tại Thông tư 41 và thực hiện chế độ báo cáo thống kê về tỷ lệ an toàn vốn đối với Thông tư 41 theo hướng dẫn của NHNN.
Trong thời gian từ ngày 1/11/2019 đến hết ngày 31/12/2019, Viet Capital Bank đồng thời thực hiện chế độ báo cáo về tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định tại Thông tư 36/2014/TT-NHNN ngày 20/11/2014 của Thống đốc NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, Viet Cappital Bank là ngân hàng thứ 12 được phép áp dụng tiêu chẩn Basel II sau Vietcombank, OCB, VIB, MB, VPBank, Techcombank, TPBank, ACB, MSB, HDBank, Shinhan Bank.
Việc triển khai Basel II giúp chuẩn hóa, cải thiện và lành mạnh hóa lĩnh vực ngân hàng thông qua việc áp dụng các chuẩn mực toàn cầu. Basel được xây dựng trên nguyên tắc cơ bản nhằm đảm bảo các ngân hàng duy trì đủ nguồn vốn bù đắp cho các khoản lỗ có thể phát sinh từ những rủi ro mà ngân hàng đang nắm giữ. Basel II - phương pháp tiêu chuẩn được chuẩn hóa và được xem là bước đầu tiến tới phương pháp đánh giá theo độ nhạy cảm rủi ro. |