Với chủ đề “Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp Việt trên môi trường số”, Tọa đàm được tổ chức theo hình thức thảo luận mở, xoay quanh các chủ đề: Vai trò kinh tế online trên toàn cầu và cơ hội cho các nhà sáng tạo Việt Nam; Những thách thức của nhà sáng tạo khi kinh doanh trên các nền tảng xuyên biên giới; Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường số; Khung chính sách quản lý và vai trò của cơ quan nhà nước trong thúc đẩy nền kinh tế online.
Cơ hội lớn cho các doanh nghiệp sáng tạo nội dung
Chia sẻ tại Tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết: Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, các hoạt động kinh doanh trực tuyến đang bùng nổ với đa dạng nền tảng kinh doanh, hình thức giao dịch. Bên cạnh những lợi ích, mô hình kinh doanh trực tuyến cũng mang đến nhiều thách thức, trong đó có vấn đề thực thi quyền sở hữu trí tuệ, khi mà các hoạt động giao dịch thương mại đã vượt qua giới hạn địa lý, lãnh thổ.
Theo Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt, cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư đã và đang mở ra nhiều cơ hội phát triển cho lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan đối với tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình, chương trình... tạo ra các phương thức sáng tạo mới; song cũng đặt ra nhiều thách thức trong việc tự bảo vệ quyền của các chủ thể và hoạt động của những cơ quan quản lý, thực thi về quyền tác giả, quyền liên quan.
Hiện Việt Nam có gần 4.000 doanh nghiệp khởi nghiệp, trong đó có 4 kỳ lân với định giá hơn 1 tỷ USD và hơn 10 doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) được định giá hơn 100 triệu USD, đầu tư thiên thần cho khởi nghiệp Việt Nam hơn 1,3 tỷ USD vào năm 2021. Thị trường khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam đang rất sôi động. Kinh tế Việt Nam đang không ngừng phát triển và là mảnh đất màu mỡ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trong nước và nước ngoài muốn mở rộng, phát triển thị trường.
Trong năm 2021, nền kinh tế số của Việt Nam đã cán mốc 21 tỷ USD, tăng 31% so với cùng kỳ năm ngoái, đóng góp hơn 5% vào GDP của đất nước. Dự kiến, nền kinh tế số của Việt Nam sẽ đạt 57 tỷ USD vào năm 2025, đứng thứ hai trong khu vực Đông Nam Á, tốc độ tăng trưởng khoảng 29%/năm
Nền kinh tế Internet mở ra cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp Việt sáng tạo ra những nội dung có giá trị, nằm trong top đầu của thế giới, như các sản phẩm GameFi, game blockchain hay các sản phẩm giải trí như: Phim hoạt hình, âm nhạc, nội dung giải trí phát hành trên các nền tảng trực tuyến.
Những thách thức trên môi trường "không biên giới"
Cùng với những tiềm năng nói trên, trong quá trình phát triển các doanh nghiệp tham gia trong nền kinh tế Internet đang gặp phải những thách thức lớn. Trong đó có thể kể đến, mặc dù hành lang pháp lý về sở hữu trí tuệ khá đầy đủ: Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Cạnh tranh, Luật An ninh mạng, Việt Nam đã tham gia các công ước quốc tế, hội nhập sâu rộng. Song thực tế trên Internet thì rất khó áp dụng các chính sách này cho các chủ thể ở nước ngoài. Cụ thể, thiếu các công cụ hữu hiệu để chống độc quyền, chống cạnh tranh không lành mạnh, bảo vệ các doanh nghiệp Việt trên không gian mạng.
Khả năng áp dụng pháp luật hiện hành với các chủ thể nước ngoài hoặc ngoài phạm vi lãnh thổ Việt Nam chưa mạnh khiến tính tuân thủ pháp luật của các chủ thể này chưa cao, gây thiệt hại nhiều cho quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể trong nước và thiệt hại nghiêm trọng tới nền kinh tế quốc gia.
Bên cạnh đó, kết nối nhiều hơn với tốc độ nhanh hơn cũng làm tăng rủi ro về quy mô và tác động của tội phạm mạng và các cuộc tấn công trên không gian mạng
Đồng thời, sự thiếu hụt lực lượng lao động đảm bảo kiến thức và kỹ năng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh; nhiều doanh nghiệp còn non trẻ chịu sức ép cạnh tranh rất lớn từ nước ngoài.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Tạ Mạnh Hoàng - CEO Sconnect - đã kể về "8 năm qua vừa làm vừa mò mẫm" của doanh nghiệp mình và cho rằng, Việt Nam cần có các chính sách, quy định và hoạt động mang tính hỗ trợ cụ thể hơn cho các doanh nghiệp nội dung số.
"Trước cơ hội sự phát triển của nền kinh tế số, chúng tôi và các doanh nghiệp có các sự phát triển nổi bật và cũng đáng tự hào. Tuy nhiên cũng gặp phải các trở ngại lớn và nó tác động đến sự phát triển của doanh nghiệp mà sự tác động này trong nội tại doanh nghiệp rất khó có thể xử lý được", ông Hoàng cho biết.
Theo đó, ông Hoàng cho rằng, dù chúng ta đã có hành lang pháp lý, nhưng thực tế rất khó áp dụng cho các nền tảng xuyên biên giới trên môi trường internet. Cùng đó, còn thiếu các công cụ hữu hiệu để chống độc quyền, chống cạnh tranh không lành mạnh, bảo vệ các doanh nghiệp Việt trên không gian mạng.
Để minh họa cho những "gian nan" mà doanh nghiệp sáng tạo nội dung số Việt Nam đang đối mặt trên môi trường internet, CEO của Sconnect cũng chia sẻ về vụ kiện liên quan đến sự cạnh tranh không lành mạnh từ một doanh nghiệp nước ngoài là Entertaiment One (EO). Theo đó, những hành động cạnh tranh không lành mạnh của EO có thể kể đến như: dán nhãn video sản phẩm của Sconnect trên Youtube là "vi phạm bản quyền", đưa ra các thông tin không đúng sự thật với các đối tác của Sconnect và tạo sức ép nếu họ không dừng hợp tác với Sconnect... Hiện, vụ việc vẫn đang tiếp diễn với các thủ tục pháp lý kéo dài, khiến doanh nghiệp này "thiệt đơn thiệt kép".
Từ câu chuyện của Sconnect cũng như một số vụ việc khác được đưa ra tại Tọa đàm, có thể thấy, để các doanh nghiệp Việt còn non trẻ khi hội nhập vào nền kinh tế Internet, rất cần có vai trò “bệ đỡ’ của các cơ quan nhà nước, các hiệp hội, hội quan tâm, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ các vướng mắc, đặc biệt là các vướng mắc về pháp lý liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ của các sản phẩm sáng tạo.