Biện pháp trừng phạt siêu máy tính Trung Quốc của Mỹ bắt đầu có hiệu lực

Biện pháp trừng phạt siêu máy tính Trung Quốc của Mỹ bắt đầu có hiệu lực
Tạp chí Nhịp sống số - Lệnh trừng phạt mới có thể không phá hoại ngay lập tức ngành công nghiệp siêu máy tính Trung Quốc, nhưng nó sẽ làm chậm sự phát triển của nước này trong việc chế tạo những cỗ máy mạnh hơn.

Biện pháp trừng phạt bảy thực thể phát triển siêu máy tính của chính quyền Washington đối với Trung Quốc đã bắt đầu có hiệu lực khi hãng bán dẫn Đài Loan Taiwan Semiconductor Manufacturing Company (TSMC) tuyên bố ngưng nhận các đơn đặt hàng mới từ Công ty Công nghệ Thông tin Phytium, South China Morning Post dẫn nguồn tin thân cận với vấn đề cho biết.

Hiện tại, TSMC sẽ cố gắng hoàn thành các đơn hàng mà công ty đã nhận từ Phytium trước khi Bộ Thương mại Mỹ đưa bảy thực thể phát triển siêu máy tính của Trung Quốc vào danh sách đen vì lý do an ninh quốc gia. Một đại diện của TSMC từ chối bình luận về vấn đề nhưng nói rằng công ty sẽ “tuân thủ tất cả quy định như mọi khi và sẽ hoạt động theo các biện pháp hạn chế xuất khẩu”.

Mặc dù Trung Quốc đã nỗ lực tìm cách tăng cường khả năng tự chủ trong lĩnh vực bán dẫn trong những năm gần đây, nhưng nước này vẫn phụ thuộc nhiều vào chip nước ngoài. Francis Lau, Giáo sư khoa học máy tính tại Đại học Hồng Kông, cho biết các siêu máy tính của Trung Quốc chủ yếu sử dụng CPU của Intel, AMD và IBM. “Lệnh trừng phạt chắc chắn sẽ ảnh hưởng đáng kể đến khả năng giữ vị trí hàng đầu về siêu máy tính của Trung Quốc, vì hầu hết thành phần trong các siêu máy tính của họ hiện nay đều do Mỹ chế tạo. Mặc dù sẽ có những lựa chọn thay thế từ các quốc gia khác như Nhật Bản và Hàn Quốc, nhưng thành phần của Mỹ vẫn là tốt nhất”, Giáo sư Lau nói.

Song, không riêng gì bảy nhà phát triển siêu máy tính Trung Quốc, các công ty Đài Loan khác cũng đang cảm thấy khó khăn. Cổ phiếu của Alchip Technologies, công ty có trụ sở tại Đài Bắc chuyên thiết kế chip cho Phytium, đã mất một phần tư giá trị từ khi Mỹ cập nhật danh sách trừng phạt mới. Những công ty sử dụng công nghệ của Mỹ muốn giao dịch với các thực thể trong danh sách đen cần phải nhận được sự cho phép của Cục Công nghiệp và An ninh thuộc Bộ Thương mại Mỹ.

Công nghệ của Mỹ hiện rất cần thiết để thiết kế những loại chip tiên tiến nhất thế giới. Trước tình trạng nguồn cung từ TSMC bị ngưng lại, Phytium sẽ phải dùng đến số lượng chip 7 nanomet từ trong kho dự trữ hiện có, trong khi các nhà sản xuất chip trong nước vẫn chưa có đủ khả năng để sản xuất hàng loạt.

Với bản cập nhật Danh sách Thực thể mới nhất, Mỹ đã viện dẫn lý do lo ngại về việc Trung Quốc sử dụng siêu máy tính trong các hệ thống vũ khí tiên tiến như thử nghiệm khí động học của tên lửa siêu thanh, hoặc mô phỏng một vụ nổ hạt nhân. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng tác động của biện pháp hạn chế mới lên khía cạnh công nghệ quân sự của Trung Quốc có thể sẽ không hiệu quả nhiều như mong muốn. Dù vậy, nó vẫn có thể phủ bóng đen lên tham vọng siêu máy tính của đại lục vì Bắc Kinh đang không ngừng thúc đẩy đổi mới công nghệ trong lĩnh vực này, cùng với các công nghệ tiên tiến khác như trí tuệ nhân tạo (AI).

Kể từ khi siêu máy tính ra đời vào năm 1983 đến nay, Trung Quốc đã trở thành quê hương của nhiều siêu máy tính hơn bất kỳ nước nào khác trên thế giới. Tính đến tháng 11.2020, có 214 trong số 500 siêu máy tính mạnh nhất thế giới đến từ Trung Quốc, gần gấp đôi so với vị trí thứ hai của Mỹ với 113 siêu máy tính, theo bảng xếp hạng TOP500 được công nhận rộng rãi. Tuy nhiên, nếu xét riêng về hiệu suất thì Trung Quốc lại đứng sau Nhật Bản và Mỹ.

 

Có thể bạn quan tâm

Tập đoàn hàng đầu về quản lý năng lượng, Schneider Electric đã phát triển nhiều dòng APC UPS tân tiến trong 4 thập kỷ, giúp đảm bảo nguồn điện ổn định và tối ưu hóa tiêu thụ năng lượng, hỗ trợ trung tâm dữ liệu giảm thiểu dấu chân carbron, hướng đến phát triển bền vững.