Bitcoin lao dốc không phanh, đã chạm mốc 33.700 USD

Bitcoin lao dốc không phanh, đã chạm mốc 33.700 USD
Tạp chí Nhịp sống số - Giá Bitcoin đã chạm mốc 33.700 USD. Đây là mức giá tồi tệ nhất của Bitcoin trong vòng hơn 3 tháng qua. Mức giá này cũng kéo theo sự đi xuống của cả thị trường tiền mã hóa.

Sáng 9/5, giá Bitcoin vừa phá vỡ mức hỗ trợ 34.000 USD. Cụ thể, trên sàn giao dịch Coinbase, có thời điểm Bitcoin đã chạm mốc 33.700 USD.

Ở thời điểm hiện tại (khoảng 2h sáng ngày 9/5), giá Bitcoin đang dao động ở mức 34.500 USD, tương đương khoảng 830 triệu đồng tiền Việt. Mặc dù đã có sự hồi nhẹ, đà giảm giá của Bitcoin nhiều khả năng vẫn chưa kết thúc.

Trên khung ngày, mức giá của Bitcoin đã tụt xuống thấp hơn đáy của ngày 24/2/2022 (34.300 USD). Đây là một chỉ dấu quan trọng cho thấy Bitcoin đang bắt đầu xu hướng giảm.

Thực tế, đây đã là ngày tụt giá thứ 4 liên tiếp của Bitcoin. Nếu tính từ hồi cuối tuần trước, chỉ trong vòng 4 ngày, giá Bitcoin đã giảm hơn 6.000 USD, tương đương khoảng 15% giá trị. Đây là mức giá thấp nhất của Bitcoin được ghi nhận kể từ 24/1/2022.


Bitcoin “lao dốc không phanh”, giảm giá 4 ngày liên tiếp

Cùng với sự mất giá của Bitcoin - đồng tiền mã hóa phổ biến nhất thế giới, cả thị trường crypto hiện đang chìm trong sắc đỏ. Trong khi Bitcoin mất 4,6% giá trị trong vòng 24 tiếng đồng hồ qua, các đồng tiền mã hóa chủ chốt khác cũng có kết cục không sáng sủa hơn.

Giá Ethereum - đồng tiền mã hóa phổ biến thứ 2 hiện chỉ còn 2.500 USD, giảm 5,6% giá trị. Điều tương tự cũng xảy đến với Binance Coin khi giá đồng tiền mã hóa này chỉ còn 350 USD, giảm 5,7%.

Các đồng tiền mã hóa mạnh khác cũng bị ảnh hưởng trong đợt giảm này là Solana (giảm 7,4%), Terra (giảm 7,3%), Polkadot (giảm 5,7%), Avalanche (giảm 8%), Ripple (giảm 3,7%).

Theo thống kê của Coinmarketcap, trong 100 đồng tiền mã hóa có tổng giá trị vốn hóa lớn nhất, có tới 89 mã giảm giá cùng với Bitcoin.

Trái ngược với phần lớn thị trường, các đồng tiền stablecoin như USDC, Dai,... có sự tăng giá nhẹ. Điều này phản ánh tâm lý muốn chuyển từ các tài sản rủi ro cao sang những đồng tiền mã hóa ổn định của nhiều nhà đầu tư trên thị trường.

Hiện tại, chỉ số Sợ hãi và Tham lam (Fear & Greed Index) đang ở mốc 18/100 điểm. Đây là mức điểm số rất thấp, cho thấy sợ hãi là tâm lý chung của phần lớn các nhà đầu tư trên thị trường crypto.

Thực tế, không chỉ thị trường crypto, thị trường chứng khoán toàn cầu cũng đang chao đảo trong thời gian gần đây. Nguyên nhân là bởi Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã quyết định tăng lãi suất cho vay thêm 0,5%. Điều này được dự đoán sẽ khiến chỉ số lạm phát toàn cầu tăng cao và ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế thế giới.

Có thể bạn quan tâm

Việc có giấy phép thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ thông tin di động mặt đất sử dụng công nghệ 5G là bước ngoặt để doanh nghiệp có thể làm các thủ tục triển khai dịch vụ đáp ứng nhu cầu khách hàng.