Dẫu biết số phận của
Quay trở lại khoảng 2008-2010, đây là khoảng thời gian mà đại đa số người dùng điện thoại vẫn còn mơ hồ về khái niệm smartphone với màn hình cảm ứng lớn. Hầu hết đều quá quen thuộc với chiếc điện thoại với bàn phím cứng bên dưới (góp phần không nhỏ vào thói quen này đó là những chiếc điện thoại Nokia trải dài nhiều phân khúc và thể loại tràn ngập thị trường).
Theo khảo sát từ nhà mạng Sprint (Mỹ) lúc bấy giờ, 70% đến 80% khách hàng cho biết gõ chữ trên phím Qwerty vật lý dễ dàng hơn, trong khi đó số lượng người cho rằng gõ phím trên màn hình cảm ứng dễ hơn chỉ chiếm dưới 50%. 75% người dùng sẽ tiếp tục chọn mua điện thoại có bàn phím Qwerty vật lý, và thậm chí là 1/4 người dùng iPhone và 30% người dùng Note II vẫn ưa thích có bàn phím Qwerty cứng hơn.
Thực chất thì bàn phím Qwerty trên BlackBerry không chỉ tốt về chất lượng, cảm giác gõ, mà nó còn có thể làm nhiều trò vui như tổ hợp phím để xem số IMEI, tổ hợp phím tắt truy cập nhanh ứng dụng hay tác vụ, gọi nhanh, thậm chí trên BlackBerry Passport người dùng cũng có thể tận dụng bàn phím như bàn rê chuột.
Thị trường thay đổi quá nhanh và khốc liệt
Khi BlackBerry tung ra Bold 9780 và Torch 9800 vào năm 2010, mình đã thấy dấu hiệu đuối sức của tập đoàn Canada trong việc thích nghi với những thay đổi chóng mặt của thị trường smartphone. Đến năm 2011, BlackBerry tung ra loạt máy mới chạy OS 7, nổi bật nhất trong số đó là BlackBerry Bold Touch 9900 - một chiếc máy với bàn phím Qwerty tuyệt vời nhất, nhưng lại là chiếc máy thảm hại với thời lượng pin tồi tệ và lỗi đột tử khi sạc pin qua đêm.
Hệ điều hành OS 7 và loạt máy BlackBerry trong năm 2011 cho thấy tập đoàn Canada đã thực sự cảm nhận được thói quen sử dụng smartphone của người dùng đã thay đổi hoàn toàn. Trong bối cảnh những iPhone 4s, và sự thành công vượt bậc của Galaxy S2, người sử dụng điện thoại giờ đây không chỉ muốn một chiếc smartphone phải hữu dụng, mà còn muốn nó phải có thiết kế đẹp.
Phụ trách mảng thiết kế của HTC lúc bấy giờ, Jonah Becker, từng nói rằng bàn phím Qwerty dạng trượt ngang trên điện thoại đang làm cho máy trở nên dày hơn (nếu như các bạn không biết thì HTC cũng từng làm khá nhiều điện thoại có bàn phím Qwerty cứng như HTC G1, G2 hay EVO Shift 4G). Ngoài ra, Becker cũng thừa nhận, thiết kế chỉ là một phần nguyên do, lý do chính dẫn đến cái chết của phím Qwerty cứng đó là sự thay đổi trong thái độ của người dùng.
Màn hình cảm ứng lớn với chất lượng hiển thị ngày càng tốt hơn là một trong những nguyên do giết chết bàn phím Qwerty vật lý
Trong thời đại mà tất cả chúng ta đều sử dụng các biểu tượng cảm xúc, nhập liệu bằng giọng nói, coi video trên smartphone màn hình lớn với độ sắc nét cao, chỉnh sửa hình ảnh ngay trên điện thoại hay chơi game, bàn phím Qwerty thực sự đã trở thành một "gánh nặng" trên điện thoại. Nó không chỉ chiếm một diện tích lớn, làm máy dày hơn mà còn rườm rà trong các thao tác thông dụng. Nói một cách khác, thủ phạm chính giết chết phím Qwerty cứng đó chính là màn hình cảm ứng ngày càng tốt hơn.
Thói quen có thể tập lại từ đầu, nhưng chất lượng trải nghiệm thì không thể quay trở lại mà phải luôn đi lên. Người dùng điện thoại hiểu điều đó, họ sẽ chấp nhận một chiếc smartphone với màn hình cảm ứng lớn và đẹp thay vì chọn một chiếc điện thoai với phím Qwerty cứng cùng màn hình nhỏ. Và thực tế luôn là vậy, chẳng còn nhiều người quay lại với những chiếc BlackBerry một khi họ đã quen với iPhone với Samsung với HTC với Sony với LG.
Khi mà mọi thứ đều lên màn hình cảm ứng - thứ mà BlackBerry không hề giỏi từ trước đến nay - họ bắt đầu tỏ ra yếu ớt và lúng túng với BlackBerry 10 hỗn tạp và khó sử dụng. BlackBerry cố gắng cứu vãn tình thế với dòng Q có bàn phím Qwerty cứng hay Passport nhưng họ lại quên rằng đối tượng khách hàng dùng smartphone hiện giờ phần lớn đã là những thanh thiếu niên trẻ tuổi - những người lớn lên trong thời đại smartphone cảm ứng màn hình lớn.
BlackBerry sẽ không làm phần cứng nữa, thay vì thế họ sẽ cấp quyền và thiết kế bàn phím cho các đối tác bên ngoài. Thế nhưng câu hỏi đặt ra ở đây là, liệu có một hãng nào đó ngoài BlackBerry có đủ tự tin hồi sinh lại phím Qwerty vật lý trên điện thoại? Sự yêu thích của người dùng với phím Qwerty cứng là vẫn còn đó, nhưng sự dũng cảm của các hãng smartphone thì lại không đủ lớn đến như vậy.
Nếu được hỏi sẽ có phép màu nào giúp cho phím Qwerty vật lý quay trở lại cuộc chơi, câu trả lời, theo mình nghĩ là duy nhất, đó là khi Apple và Samsung cũng tạo ra những chiếc iPhone hay những chiếc Note có thêm phím cứng bên dưới. Nên nhớ rằng Chính là Apple, hãng đã phổ cập cảm biến vân tay, chính là Samsung, hãng đã mở ra xu hướng màn hình to trên smartphone, và cũng chính là Samsung, hãng đã hồi sinh bút stylus.
Tất nhiên đó chỉ là một giấc mơ ích kỷ của những ai yêu thích bàn phím Qwerty vật lý, bởi sẽ chẳng có một hãng nào hy sinh trải nghiệm người dùng để phục đam mê cá nhân. Thế nhưng, chẳng ai tính phí giấc mơ cả, hãy mơ chứ đừng hy vọng.
Tạm biệt BlackBerry ( RIM) và cảm ơn Balsillie, Lazaridis...những người đã cho chúng ta biết yêu những phím cứng li ti trên di động