Blockchain sẽ được đưa vào giao dịch ngân hàng trong năm 2017

Blockchain sẽ được đưa vào giao dịch ngân hàng trong năm 2017
Tạp chí Nhịp sống số - Blockchain sẽ được 15% các ngân hàng lớn trên thế giới triển khai vào năm 2017. Và trong 4 năm tới, sẽ có khoảng 66% các ngân hàng trên thế giới sẽ triển khai blockchain ở quy mô thương mại.

Bà Trần Mai Hương - GĐ khối Khách hàng DN lớn, IBM Việt Nam

Blockchain còn có thể được sử dụng để tạo ra các hồ sơ kỹ thuật số về hoạt động sử dụng và trả tiền cho người tạo ra nội dung số. Công nghệ này có thể đẩy nhanh tốc độ giao dịch và đảm bảo rằng mọi bên liên quan đều có quyền sử dụng tài liệu bản quyền.

Blockchain có thể là công khai hoặc riêng tư, trong đó các quy tắc được đặt ra bởi các bên tham gia. Các blockchain riêng tư có thể có những cấp độ bảo mật thấp hơn nếu các bên đã tin tưởng lẫn nhau; bitcoin là một mạng có độ an toàn cao bởi vì bất cứ ai đều có thể sử dụng nó.

Báo cáo nói trên của IBM chỉ ra rằng, trong 4 năm tới, 66% các ngân hàng trên thế giới sẽ triển khai blockchain ở quy mô thương mại. Hiện tại, phần lớn các ngân hàng vẫn đang ở giai đoạn thử nghiệm. Ví dụ như HSBC và State Street (một tập đoàn trong danh sách Fortune 500) đã thử nghiệm thành công blockchain trong các giao dịch trái phiếu vào đầu năm 2016, hay UBS và Santander đã thử nghiệm công nghệ này cho các giao dịch thanh toán biên mậu.

Tại sao blockchain lại có ý nghĩa quan trọng?

Đối với những ngành kinh tế với các quy trình thường xuyên bị chậm trễ do phải chờ hoạt động kiểm tra của bên thứ ba (ví dụ như ngành ngân hàng), blockchain góp phần hạ thấp chi phí và đẩy nhanh tốc độ thanh toán các giao dịch. Thay vì phải đợi nhiều ngày để thanh toán một tấm séc, một khoản thanh toán có thể được kiểm tra trong vòng vài giây. Mức độ rủi ro cũng thấp hơn khi các khoản thanh toán sẽ bị từ chối khi hết tiền. Không còn tình trạng “tạm ứng trước" bởi vì các khoản ghi có và ghi nợ vào tài khoản là tức thời.

Bằng cách loại bỏ yêu cầu sử dụng một tổ chức trung gian, blockchain còn nâng cao mức độ bảo mật. Càng có nhiều bên tham gia vào một giao dịch thì mức độ rủi ro liên quan đến việc một bên bị chiếm quyền càng cao. Nhưng trong một mạng blockchain, các giao dịch diễn ra trực tiếp giữa hai bên, do đó xác suất xảy ra sự cố tại một điểm chuyển giao cũng thấp hơn.

Hoạt động văn thư lưu trữ của doanh nghiệp cũng có thể được đơn giản hóa đáng kể, khi yêu cầu về các cơ chế xác thực như là công chứng và chữ ký của bên thứ ba cũng giảm đi. Các doanh nghiệp sản xuất nội dung số có thể theo dõi mức độ sử dụng, tiêu dùng những nội dung số đó một cách chính xác hơn và tạo ra doanh thu từ phí bản quyền và cấp phép mà thông thường sẽ không thu được.

Xu hướng của blockchain là gì?

Các ngân hàng đang hợp tác với nhau để khắc phục một trong những điểm yếu của blockchain, đó là: tính minh bạch làm cho nó trở nên dễ gặp rủi ro với hoạt động do thám, thăm dò của bên thứ ba. Một liên minh với sự tham gia của 53 ngân hàng hiện đang làm việc để tăng cường tính riêng tư của các giao dịch blockchain.

Linux Foundation đã công bố một sáng kiến mới quan trọng được gọi là Hyperledger (Siêu Sổ cái), hướng tới việc xây dựng các blockchain bằng một loạt các giao thức và quy trình tiêu chuẩn có thể được sử dụng trong nhiều ngành kinh tế khác nhau. Với sáng kiến đó và nhiều tiến bộ khác, blockchain có thể trở thành công cụ để quản lý và bảo mật hồ sơ bệnh nhân trong ngành y tế.

Đại diện IBM cho biết: Nếu các doanh nghiệp Việt Nam muốn tìm hiểu thêm về blockchain, IBM có rất nhiều phần mềm, tài nguyên đào tạo và hỗ trợ cộng đồng. Các tổ chức, doanh nghiệp cũng có thể truy cập trang web chính thức của IBM để thí điểm các phương thức sử dụng blockchain.

Blockchain là gì?

Blockchain là một phương thức để nhanh chóng trao đổi các tài sản kỹ thuật số (digital assets) — như là các khoản thanh toán, các bức ảnh và hợp đồng - giữa hai hoặc nhiều bên trong một quy trình an toàn, có thể được kiểm tra và kiểm toán, trong đó không đòi hỏi một bên trung gian. Mỗi bên trong mạng đều có một bản sao (copy) blockchain của riêng mình được gắn với từng tài sản. Chừng nào mà các blockchain vẫn còn khớp với nhau thì tất cả các bên đều tin tưởng rằng tài sản hoặc giao dịch là hợp lệ.

Mỗi khi tài sản được thay đổi, một block mới được bổ sung thêm vào, tạo ra một chuỗi (chain) của các block (đó chính là lý do tại sao người ta lại gọi là BlockChain). Tất cả các bên trong mạng đều nhận được một bản sao của tài sản được cập nhật với một blockchain mới. Nếu bất kỳ blockchain nào không khớp với các blockchain còn lại thì tài sản đó được coi là không hợp lệ và bản cập nhật bị loại bỏ. Các bản cập nhật diễn ra rất nhanh chóng, thường là chỉ trong vòng vài mili-giây.

Nếu bạn đã quen với mạng chia sẻ file ngang hàng (peer-to-peer file-sharing network) như là BitTorrent, hoặc nếu bạn đồng bộ hóa các file giữa nhiều máy tính thông qua sử dụng một dịch vụ như là Dropbox, thì bạn đã có một sự hiểu biết cơ bản về cách thức hoạt động của blockchain.

 

Có thể bạn quan tâm

Liên tục ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), MoMo đã đạt được nhiều thành tựu đột phá trong việc thúc đẩy chuyển đổi số cho đất nước. Nhờ đó, Fintech này tiếp tục có mặt trong “Top 10 Sao Khuê” năm thứ hai liên tiếp.