Phát biểu tại Hội nghị “Kết nối nhà đầu tư và startup trong lĩnh vực ICT - chủ đề Thúc đẩy đầu tư và phát triển hệ sinh thái tài chính số”, Bà Nguyễn Thị Thu Hiền - Chủ tịch Tập đoàn IMG Group, Uỷ viên Thường vụ Hiệp hội Blockchain Việt Nam chia sẻ, có 6 xu hướng Fintech trong năm 2022 bao gồm: Blockchain, Web3, trí tuệ nhân tạo và máy học (Ai & Machine Learning), Cross-border e-commerce (thương mại điện tử xuyên biên giới), Siêu ứng dụng (Super Apps) và tài chính nhúng (Embedded Finance). Tuy nhiên, với tiềm năng của công nghệ Blockchain, công nghệ này sớm được dự đoán là tương lai của Fintech. Bởi năm 2022 được dự báo là mốc thời gian đánh dấu công nghệ Blockchain và Web3 trở nên an toàn và dễ tiếp cận hơn. Theo khảo sát về Blockchain toàn cầu năm 2021 của Deloitte, 76% giám đốc điều hành tin rằng tài sản số sẽ là giải pháp mạnh mẽ hoặc thay thế hoàn toàn cho các loại tiền tệ fiat trong vòng 5-10 năm tới. Các tổ chức tài chính cũng bị thu hút bởi khả năng bảo mật chưa từng có của Blockchain đặc biệt là về vấn đề quản lý danh tính được cung cấp cho cả hai bên của giao dịch.
Mặc dù các giải pháp Fintech mang lại cảm giác thuận tiện nhưng vẫn còn phụ thuộc vào các bên thứ ba. Điều này cho thấy ở việc các giao dịch vẫn đang được thực hiện thông qua sự chấp thuận của các cơ quan quản lý cấp cao, người dùng vẫn phải chờ đợi xác nhận từ trên. Ngoài ra, khi người dùng thực hiện bất kỳ trình nào trên các ứng dụng Fintech, họ không biết được những gì đang xảy ra với những bên liên quan. Điều này dẫn tới sự mơ hồ và làm tăng nỗi sợ hãi về vấn đề trộm cắp danh tính, dẫn đến có sự tin tưởng thấp vào ứng dụng của Fintech. Do có sự tham gia của nhiều bên khác nhau nên thường làm chậm trễ các quy trình. Từ đó dẫn đến tỷ lệ hài lòng thấp hơn và sự xáo trộn cao hơn trong kinh doanh. Trong thị trường Fintech, thời gian là tiền bạc. Vì vậy, bằng cách cắt giảm sự phụ thuộc vào nhiều bên, công khai quy trình cho tất cả mọi người liên quan và cắt giảm thời gian xử lý, công nghệ Blockchain một lần nữa đã chứng tỏ là một xu hướng tiềm năng trong Fintech và có thể giảm gần 50% chi phí.
Ứng dụng công nghệ Blockchain vào lĩnh vực Fintech
Blockchain có thể giúp ngành công nghiệp Fintech với một số khía cạnh của quản lý chuỗi cung ứng. Điều này cho phép thời gian quay vòng quyết toán cao hơn với chi phí thấp hơn bằng cách cung cấp một nguồn thông tin duy nhất liên quan đến các lĩnh vực chính trong chuỗi cung ứng bao gồm mức độ tín nhiệm, mức tồn kho của nhà cung cấp, nhận và phê duyệt đón đặt hàng, v.v. Nó cũng giúp ngành công nghiệp Fintech trong việc kiểm soát rủi ro hoạt động tài chính.
Blockchain hứa hẹn mang lại các dịch vụ xử lý thanh toán quốc tế nhanh chóng, đáng tin cậy, an toàn với chi phí thấp. Điều này được thực hiện với sự trợ giúp của sổ cái phân tán được mã hoá nhằm cung cấp xác minh giao dịch theo thời gian thực. Giúp loại bỏ nhu cầu về các trung gian như ngân hàng đại lý và trung tâm thanh toán bù trừ. Không giới hạn số tiền giao dịch và đảm bảo giao dịch nhanh chóng, trơn tru, minh bạch và không có lỗi.
Với Blockchain, thông tin có thể được chia sẻ trong thời gian thực, làm giảm xu hướng gian lận. Các hợp đồng thông minh được kích hoạt với Blockchain cũng giúp giảm gian lận tài chính một cách đáng kể. Hợp đồng thông minh là một mã máy tính chạy trên một chuỗi khối chứa một bộ quy tắc mà theo đó các bên đồng ý tương tác với nhau. Điều này tạo điều kiện thuận lợi, xác minh và thực thi thương lượng hoặc thực hiện một thoả thuận, giao dịch.
Nhiều sản phẩm và dịch vụ về quản lý tài liệu an toàn, chuẩn chỉnh thường rất đắt và bị phụ thuộc vào nhiều bên. Các tài liệu ở dạng vật lý hoặc kỹ thuật số thì lại có tểh được sửa đổi và sao chép. Nhưng với công nghệ Blockchain, chúng ta có thể nhúng xác thực vào chính tài liệu và với sự trợ giúp của hệ thống theo dõi dạng vòng lặp kín, chúng ta có thể bảo vệ tài liệu khỏi bị giả mạo hoặc bị sửa đổi.
Ngoài ra, Blockchain cung cấp các phương pháp mới và đột phá bằng cách sử dụng sổ cái phân tán được bảo mật bằng mật mã có thể làm cho việc kiểm toán và báo cáo tài chính trở nên nhanh chóng, minh bạch, không có sai sót. Blockchain với bản chất bất biến của nó, có thể loại bỏ rủi ro, sự không chắc chắn và phức tạp liên quan đến quy định bởi vì một khi dữ liệu đã được lưu vào Blockchain, không ai có thể sửa đổi hoặc xoá nó.
Ứng dụng Blockchain trong các công ty Fintech tại Việt Nam
Bà Nguyễn Thị Thu Hiền - Chủ tịch Tập đoàn IMG Group, Uỷ viên Thường vụ Hiệp hội Blockchain Việt Nam cho biết, năm 2019, TPBank là ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng thành công chuyển tiền quốc tế qua công nghệ Blockchain giúp các giao dịch chuyển tiền được thực hiện nhanh chóng hơn, trạng thái giao dịch được cập nhật ngay lập tức đến tất cả các bên. Công ty Cổ phần Chứng khoán Kỹ Thương (Techcom Securities – TCBS) ứng dụng Blockchain và Hợp đồng thông minh (Smart Contract) vào phát hành trái phiếu, quản lý giao dịch và quyền sở hữu trái phiếu doanh nghiệp cho khách hàng tại Việt Nam.
Mặc dù là một xu hướng còn mới tại Việt Nam, công nghệ Blockchain đang dần mở ra nhiều cơ hội ứng dụng trong thực tế, tham gia mạnh mẽ vào các lĩnh vực đời sống kinh tế, xã hội đặc biệt là trong thị trường Fintech, tạo ra một làn sóng khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo sôi nổi tại Việt Nam. Từ những tiềm năng và sự phát triển mạnh mẽ, Blockchain được đánh giá sẽ nhanh chóng trở thành trụ cột của các ngành công nghệ tương lai.