Các nhà nghiên cứu từ Đại học Aalto (Phần Lan) đã đạt được tiến bộ đáng kể trong lĩnh vực sạc không dây, hoàn thiện phương pháp sạc không dây ở khoảng cách xa.
Bằng cách tăng cường sự tương tác giữa anten phát với anten thu và sử dụng hiện tượng “ức chế bức xạ”, họ đã đạt được hiệu quả cao trong việc truyền năng lượng ở khoảng cách xa, vượt qua những hạn chế của các phương pháp cảm ứng truyền thống.
Sạc không dây ở khoảng cách ngắn bằng thiết bị cảm ứng đã được chứng minh là có hiệu quả truyền năng lượng cao, nhưng ở khoảng cách xa hơn chưa thể thực hiện được. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã tìm ra giải pháp cho vấn đề này bằng cách triệt tiêu khả năng cản bức xạ của anten vòng trong quá trình truyền năng lượng.
Các nhà nghiên cứu đã phát triển một lý thuyết mới về sạc không dây. Lý thuyết này tính đến cả khoảng cách và điều kiện tầm ngắn (không bức xạ) và tầm xa (bức xạ).
Qua nghiên cứu, người ta phát hiện ra rằng có thể loại bỏ tổn thất bức xạ, giúp tăng đáng kể hiệu quả truyền năng lượng bằng cách đảm bảo biên độ bằng nhau và các pha ngược nhau của dòng điện trong anten vòng.
Các nhà khoa học đã tạo ra một phương pháp phổ quát, cho phép phân tích hoặc thực nghiệm đối với hệ thống truyền năng lượng không dây bất kỳ. Điều này giúp đánh giá toàn diện hiệu quả truyền năng lượng trên cả khoảng cách ngắn và dài.
Việc thực nghiệm quá trình sạc giữa hai anten vòng nằm ở khoảng cách đáng kể đã xác nhận rằng việc triệt tiêu bức xạ là cơ chế chính để cải thiện hiệu suất truyền dẫn.
Nhờ cách tiếp cận mới, các nhà nghiên cứu của Đại học Aalto đã có thể gia tăng khoảng cách truyền năng lượng đáng kể so với các hệ thống sạc không dây truyền thống, trong khi vẫn duy trì hiệu suất cao.
Bước đột phá này không chỉ có ý nghĩa đối với điện thoại và thiết bị điện tử thông thường, mà còn đối với cả các thiết bị cấy ghép y sinh có dung lượng pin hạn chế.
Nghiên cứu cũng tính đến các rào cản, chẳng hạn như mô cơ thể, có thể cản trở quá trình sạc điện.