Từ mục tiêu của Chính phủ
Trong báo cáo đề xuất giải pháp, lộ trình xây dựng Chính phủ điện tử (CPĐT) giai đoạn 2018-2020 và định hướng đến 2025 của Văn phòng Chính phủ, một trong những ưu tiên được đề ra là: “Xây dựng Cổng dịch vụ công quốc gia và Cổng này phải kết nối từ cơ quan hành chính của Trung ương đến địa phương, kết nối từ Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đến các bộ, ngành, có thể kết nối ngang, kết nối dọc và có sự chia sẻ….”.
Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, việc triển khai Chính phủ điện tử là xu hướng tất yếu nhằm nâng cao tính minh bạch trong hoạt động của Chính phủ, đẩy lùi nạn tham nhũng, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng năng suất lao động và là tiền đề để xây dựng xã hội phát triển bền vững, tốt đẹp hơn.
Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử còn góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn; nâng vị trí của Việt Nam về Chính phủ điện tử theo xếp hạng của Liên Hợp Quốc; công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan nhà nước trên môi trường mạng.
Chính phủ cũng đã đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2020, triển khai có hiệu quả chương trình cải cách hành chính, gắn kết chặt chẽ với việc xây dựng Chính phủ điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ cao nhất và trong nhiều lĩnh vực.
Đến doanh nghiệp hành động
Trong xu hướng đó, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã không ngừng phát triển và làm chủ được nhiều sản phẩm, dịch vụ công nghệ cốt lõi góp phần xây dựng chính phủ số và nền kinh tế số tại Việt Nam.
VNPT đã tự thiết lập cũng như hợp tác với các công ty công nghệ lớn trên thế giới để xây dựng các Lab nghiên cứu về AI, Blockchain, IoT, Cyber Security, điện toán đám mây. Hệ sinh thái giải pháp của VNPT đang ngày càng phong phú và hoàn thiện với các giải pháp ở nhiều lĩnh vực như xây dựng Chính phủ điện tử, y tế, nông nghiệp, giáo dục, các giải pháp xây dựng đô thị thông minh khác…
VNPT đã cung cấp hàng trăm dịch vụ, giải pháp công nghệ thông tin (CNTT) hướng tới xây dựng chính phủ điện tử.
Đến nay, mảng chính quyền số, bộ giải pháp Chính phủ điện tử của VNPT đã được triển khai sâu rộng tới 61/63 tỉnh thành trên cả nước. Phải kể đến một số sản phẩm tiêu biểu như: VXP: Giải pháp Nền tảng tích hợp, liên thông, chia sẻ dữ liệu (Trục liên thông văn bản Quốc gia); VNPT-IOC: Giải pháp Trung tâm chỉ đạo điều hành; VNPT-iGate: Cổng dịch vụ công và một cửa điện tử; VNPT-iOffice: Hệ thống quản lý văn bản điều hành; VNPT-Portal: Giải pháp cổng thông tin điện tử; VNPT-CCVC: Hệ thống quản lý cán bộ công chức viên chức, VNPT-eCabinet: Giải pháp Phòng họp không giấy e-Cabinet và ứng dụng Giao việc tức thời, nhắc việc thông minh… như một minh chứng cho sự phát triển phong phú, đa dạng hệ sinh thái Chính phủ điện tử mà VNPT nỗ lực xây dựng.
Và mới đây nhất, Trục liên thông văn bản quốc gia của VNPT đã đạt được giải Vàng danh giá của giải thưởng Kinh doanh quốc tế 2019 (International Business Awards 2019 - IBA) vốn luôn là niềm tự hào đối với nhiều doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn.
Theo các chuyên gia, Trục liên thông văn bản quốc gia phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử do Văn phòng Chính phủ tổ chức được VNPT xây dựng chính là nền tảng cốt lõi cho CPĐT, hướng tới Chính phủ số. Trục liên thông văn bản quốc gia đi vào hoạt động không chỉ đảm bảo kết nối việc nhận và gửi văn bản giữa các Bộ, ngành, địa phương mà còn có thể chia sẻ và kết nối dữ liệu theo các chuẩn khác nhau, đáp ứng được vấn đề quản lý tập trung, đồng thời dữ liệu được phân tán để đảm bảo được tính chủ động của các bộ, ngành, địa phương trong việc phát triển cơ sở dữ liệu đặc thù của riêng mình.
Đây là hệ thống đặc biệt quan trọng và là nền tảng cốt lõi đảm bảo xây dựng thành công CPĐT hướng tới Chính phủ số, xã hội số và nền kinh tế số trong thời gian tới.
Đến nay, đã có 95/95 các cơ quan, bộ, ngành, địa phương kết nối với trục liên thông văn bản Quốc gia do VNPT xây dựng. Các phần mềm quản lý văn bản và điều hành đã được kết nối, liên thông cả theo chiều dọc và chiều ngang một cách thông suốt và có tính hệ thống, văn bản điện tử được gửi, nhận nhanh chóng, an toàn giữa các cơ quan Nhà nước.
Hiện nay, hàng tháng có khoảng 8.315 văn bản đi và 19.296 văn bản đến được thực hiện chuyển nhận trên hệ thống trục liên thông văn bản Quốc gia. Về hiệu quả kinh tế theo tính toán của Ngân hàng Thế giới, trục liên thông văn bản Quốc gia đã tiết kiệm cho Nhà nước hơn 1.200 tỷ đồng, trong đó tiền giấy, mực, sao lưu là 154,3 tỷ, tiền gửi qua bưu chính là 575 tỷ đồng. Chi phí thời gian, công sức tiết kiệm được là 576 tỷ đồng.
Trục liên thông văn bản Quốc gia nói riêng và hệ sinh thái các sản phẩm phục vụ CPĐT nói chung đã và đang thể hiện vai trò của VNPT-Tập đoàn kinh tế năng động, sát cánh cùng Chính phủ xây dựng hàng loạt giải pháp công nghệ, hiện thực hoá Đề án chính phủ điện tử Việt Nam, đóng góp vào sự phát triển vững mạnh của nền kinh tế đất nước.
VNPT khẳng định vị thế tại giải thưởng Stevie Awards 2019
Vào lúc 19h tối ngày 19-10-2019, tại Cộng Hoà Áo (24h giờ Việt Nam), VNPT đã được vinh danh trao giải với 7 giải thưởng quốc tế lớn thuộc các hạng mục sản phẩm công nghệ thông tin tốt nhất năm Stevie Awards 2019. Trong đó có 1 giải Vàng cho giải pháp Trục liên thông văn bản quốc gia và 6 giải Đồng cho các sản phẩm VNPT Smart Ads (Dịch vụ truyền tải nội dung), VNPT Check (Giải pháp xác thực nguồn gốc hàng hóa), VNPT HIS (Giải pháp quản lý bệnh viện), VNPT Cloud Contact Center VCC (Giải pháp tổng đài chăm sóc khách hàng đa kênh), VNPT Smart Cloud (Dịch vụ ảo hóa), VNPT Pharmacy (Giải pháp tổng thể cho hoạt động quản lý nhà thuốc).
Giải Vàng danh giá cho Trục liên thông văn bản thể hiện tầm vóc của VNPT- Tập đoàn kinh tế năng động, chú trọng phát triển những sản phẩm, dịch vụ, giải pháp ICT sáng tạo, đột phá, kiến tạo nên những giá trị đích thực cho cuộc sống, sát cánh cùng Chính phủ xây dựng hàng loạt giải pháp công nghệ, hiện thực hoá Đề án Chính phủ điện tử Việt Nam, đóng góp vào sự phát triển vững mạnh của nền kinh tế Việt Nam.
Với số lượng sản phẩm tham gia đông đảo và đoạt nhiều giải thưởng danh giá ở nhiều hạng mục cho thấy vai trò dẫn dắt của Tập đoàn VNPT trong việc định hướng xây dựng giải pháp, dịch vụ số trên thị trường viễn thông công nghệ trong nước.
Hiện VNPT đã và đang có chiến lược đầu tư và phát triển hệ sinh thái ở nhiều lĩnh vực nhằm chuyển đổi từ nhà cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống sang nhà cung cấp dịch vụ số (DSP) hàng đầu Việt Nam vào năm 2025, Trung tâm số (Digital Hub) của châu Á vào năm 2030.