Theo Reuters, mục tiêu của dự thảo mới, gọi là Digital Services Act (tạm dịch là Đạo luật Dịch vụ số), là để đặt ra các luật cơ bản về chia sẻ dữ liệu và cách thị trường số hoạt động. Dự kiến, chúng sẽ có hiệu lực vào cuối năm 2020.
Ủy ban châu Âu (EC) đang thể hiện đường lối cứng rắn chống lại những cái tên lớn trong làng công nghệ của Mỹ. Một phần là do các vụ kiện chống độc quyền không có kết quả khả thi, khi quá trình diễn ra thường kéo dài nhiều năm, không thúc đẩy được yếu tố cạnh tranh. Tình hình trở nên khẩn cấp vì hàng nghìn công ty ở châu Âu phải phụ thuộc vào Big Tech để kinh doanh.
Dựa vào tài liệu mà phóng viên của Reuters đọc được, những công ty công nghệ sở hữu khả năng "thắt cổ chai" hoặc nắm được tình trạng chiến lược của thị trường sẽ bị cấm sử dụng dữ liệu thu thập từ nền tảng của họ để hướng mục tiêu đến người dùng, trừ khi họ chia sẻ dữ liệu này với các đối thủ. Cụ thể, tài liệu ghi rõ: “Họ sẽ không thể cài đặt trước, cũng như không thể yêu cầu các nhà phát triển hệ điều hành bên thứ ba hoặc nhà sản xuất phần cứng phải cài đặt ứng dụng riêng của họ”. Họ cũng bị buộc phải kiểm kê hằng năm về chỉ số quảng cáo và những báo cáo theo thông lệ.
Một điều khoản khác cũng không cho phép các công ty "quyền lực" của Mỹ ngăn chặn đối thủ cung cấp sản phẩm cho khách hàng bên ngoài nền tảng của họ. Trên thực tế, điều này sẽ ảnh hưởng đến chính sách hạn chế và thanh toán trên cửa hàng ứng dụng của Apple và Google.