Các hãng smartphone Trung Quốc muốn soán ngôi Samsung

Các hãng smartphone Trung Quốc muốn soán ngôi Samsung
Tạp chí Nhịp sống số - Các hãng điện thoại Trung Quốc đang chuẩn bị một cuộc soán ngôi trên thị trường smartphone cao cấp.

Tại thị trường Đông Nam Á, lượng giao hàng đến từ các thương hiệu lớn của Trung Quốc Oppo, Vivo, Xiaomi, Realme và Huawei là 19 triệu máy trong quý II, tương ứng 62% thị phần. Theo Công ty nghiên cứu thị trường Canalys, 3/4 trong số đó là thiết bị Android giá dưới 200USD. Cũng trong giai đoạn này, Samsung dẫn đầu với 7,7 triệu đơn vị, Oppo bám sát nút với 7,3 triệu máy.

Tuy nhiên, các thương hiệu smartphone Trung Quốc đang chuẩn bị một cuộc “lật đổ” trong thị phần smartphone cao cấp. Trong đó, Oppo, hãng smartphone lớn thứ 5 thế giới, đang nỗ lực mở rộng mạng lưới bán lẻ tại khu vực Đông Nam Á nhằm có thể qua mặt Samsung tại đây. Một động thái mới nhất của Oppo là mở rộng mô hình cửa hàng cao cấp (flagship store) tại nhiều nước trong khu vực, bao gồm Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Việt Nam và Philippines. Các cửa hàng này có mục tiêu phát triển các chương trình chăm sóc khách hàng cụ thể cho từng thị trường trong khu vực. Trên thế giới, để hậu thuẫn cho smartphone cao cấp, Oppo có những cái bắt tay với các thương hiệu nổi tiếng như Roland Garros, câu lạc bộ Barcelona và hãng xe Lamborghini.

Các hãng smartphone Trung Quốc muốn soán ngôi Samsung

Để cạnh tranh tốt hơn với Samsung tại khu vực Đông Nam Á, Oppo cần đẩy mạnh các hoạt động địa phương hóa hơn như quảng bá, dịch vụ hậu mãi và chăm sóc khách hàng, nhằm tăng cường trải nghiệm khách hàng.

Không chỉ Oppo, các đối thủ như Huawei, Xiaomi cũng đang nỗ lực mở rộng kênh bán hàng bên ngoài Trung Quốc và nhắm đến phân khúc smartphone cao cấp (giá từ 400USD trở lên). Phân khúc này ngày càng quan trọng vì phát triển nhanh hơn so với cả thị trường smartphone nói chung. Theo Counterpoint Research, phân khúc cao cấp tăng 18% trong năm ngoái, trong khi cả thị trường chung giảm 3%. Trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc, môi trường doanh nghiệp nội địa ảm đạm, các hãng điện thoại có nguồn gốc từ Trung Quốc đều coi Đông Nam Á là điểm đến lý tưởng cho các hãng muốn kiếm thị phần.

Mặc dù vậy, cuộc đối đầu vẫn chỉ diễn ra chủ yếu giữa Oppo và Samsung nhằm giành quyền kiểm soát thị trường. Trong khi đó, Huawei đang gặp rắc rối trong thương chiến Mỹ - Trung, còn Xiaomi vẫn chưa thể bắt kịp 2 người dẫn đầu. Theo báo cáo của GfK quý II/2019, thị phần smartphone của Huawei tại Việt Nam giảm sút. Đặc biệt trong 2 tháng 5 và 6, lượng smartphone bán ra của Hãng chiếm dưới 2%, giảm hơn một nửa so với các tháng trước đó.

Các hãng smartphone Trung Quốc muốn soán ngôi Samsung

Ông Đỗ Quang Kha, CEO Oppo Việt Nam, cho biết Oppo đang chú trọng nâng tầm thương hiệu smartphone cấp cao. Để cụ thể hóa chiến lược này, Oppo mới ra mắt tại Việt Nam bộ đôi Reno2 và Reno2 F, trong đó chiếc Reno2 có giá bán 14,99 triệu đồng.

Tại thị trường Việt Nam, số liệu GfK 8 tháng đầu năm 2019 tiếp tục cho thấy Samsung đứng đầu thị trường smartphone với 44,4% ở mảng bán lẻ truyền thống (tại cửa hàng), Oppo ở vị trí thứ 2 với 25,2% và Apple đứng thứ 3 với 6,1%. Dù đứng thứ 2 thị phần smartphone tại Việt Nam nhưng Oppo chưa bao giờ được xem là đối thủ của Apple hay Samsung ở phân khúc smartphone cao cấp.

Tuy nhiên, Oppo đang từng bước nhảy vào phân khúc smartphone cao cấp và bắt đầu tạo dấu ấn ở nhóm smartphone trên 10 triệu đồng. Theo số liệu GfK 3 tháng 6, 7, 8 năm 2019, Oppo luôn có hơn 10% thị phần ở mảng điện thoại giá 10-15 triệu đồng. Trước đó, Oppo gần như nhường hẳn thị phần này cho Samsung và Apple. Đối với smartphone từ 10 triệu đồng trở lên, Apple vẫn dẫn đầu tuyệt đối (60-70%), Samsung xếp thứ 2 (10-20%).

Về mặt công nghệ, các hãng điện thoại Trung Quốc cũng đang tạo ra những dấu ấn mới trong thiết kế, công năng. Chẳng hạn, Oppo cùng với Huawei, Vivo đã tạo nên xu hướng smartphone màn hình tràn viền hoàn toàn không có “tai thỏ” hay “giọt nước” trên màn hình. Hay số lượng smartphone Made in China chiếm tới 7/10 vị trí dẫn đầu bảng xếp hạng của DxOMark về camera trong điện thoại. Xiaomi là nhà sản xuất điện thoại đầu tiên tung ra smartphone sử dụng camera có độ phân giải lên tới 108 megapixel. Trước đó, Realme, một thương hiệu con của Oppo, cũng vượt mặt Samsung để cho ra mẫu smartphone đầu tiên dùng cảm biến camera 64 megapixel.

Có thể bạn quan tâm

Tập đoàn hàng đầu về quản lý năng lượng, Schneider Electric đã phát triển nhiều dòng APC UPS tân tiến trong 4 thập kỷ, giúp đảm bảo nguồn điện ổn định và tối ưu hóa tiêu thụ năng lượng, hỗ trợ trung tâm dữ liệu giảm thiểu dấu chân carbron, hướng đến phát triển bền vững.