Cảm ứng lực 3D Touch có thực sự cần thiết?

Cảm ứng lực 3D Touch có thực sự cần thiết?
Tạp chí Nhịp sống số - Tính năng 3D Touch trên phiên bản iPhone mới nhất có thể là một cuộc cách mạng, nhưng chỉ khi mọi người thực sự sử dụng nó.

Chuột máy tính đã mang đến một trải nghiệm hoàn toàn mới cho người dùng, một sự kết hợp giữa chuyển động cơ học và chuyển động kỹ thuật số, và nó đã thay đổi hoàn toàn cách chúng ta sử dụng máy tính. Theo tạp chí Atlantic, khi mới bắt đầu được biết đến, chuột máy tính được mô tả là một món đồ kỳ dị nhưng dễ sử dụng: "Thay vì gõ các câu lệnh, ta có thể chỉ vào những bức ảnh trên màn hình bằng cách rê một thiết bị cầm tay có tên là chuột dọc theo mặt bàn làm việc", trích mô tả trong một bài báo trên tờ New York Times năm 1983.

Điều tương tự cũng có thể xảy đến với 3D Touch – một hệ thống cảm biến áp lực nằm phía dưới màn hình của hai mẫu iPhone mới nhất: 6s và 6s Plus.

Công nghệ này mang đến cho chúng ta một kiểu tương tác mới rất tự nhiên: những lực ấn khác nhau trên màn hình sẽ tạo ra những phản ứng khác nhau trên điện thoại. Với 3D Touch, nếu như bạn đang sử dụng Notepad trên iPhone, việc ấn mạnh hơn sẽ tạo nên một đường kẻ đậm hơn, hoặc nếu bạn đang chơi ứng dụng Magic Piano, lực ấn càng mạnh sẽ tạo ra những âm thanh càng lớn.

Nhưng sẽ cần phải mất một thời gian làm quen để người dùng có thể thực sự trải nghiệm

Có thể mọi người sẽ từ bỏ 3D Touch và sử dụng iPhone 6s như bao chiếc điện thoại khác. Cũng có khả năng 3D Touch sẽ trở thành một tiêu chuẩn mới, và khi đó việc "ấn mạnh hay nhẹ" sẽ được lưu thành các phản xạ sử dụng smartphone trong bộ não của chúng ta, giống như cách mà mẫu iPhone đầu tiên đã làm cho con người quen với việc di chuyển các đầu ngón tay trên một màn hình nhỏ xíu vậy.

Do đó những gì chúng ta biết được bây giờ mới chỉ là những hiệu ứng đầu tiên do 3D Touch mang lại, một phần là do người dùng chưa quen, phần khác là do các nhà phát triển hiện vẫn đang mày mò tìm cách áp dụng công nghệ mới này vào trong sản phẩm của mình. "Những fan trung thành của Apple đừng ngạc nhiên nếu biết rằng những ứng dụng hỗ trợ cho tính năng đặc biệt (3D Touch) của iPhone 6s hiện vẫn chỉ xuất hiện rải rác sau ba tháng kể từ khi chiếc điện thoại này xuất hiện", theo The Verge"Điều này cũng tương tự như khi các ứng dụng phải nâng cấp để phù hợp với màn hình lớn của iPhone 6 Plus – Starbucks thậm chí còn mất một năm … Và mọi việc sẽ còn khó khăn hơn nhiều với 3D Touch".

Đối với những ứng dụng như Magic Piano, việc áp dụng 3D Touch có vẻ dễ dàng hơn. Các lập trình viên của Magic Piano đã thành công trong việc tạo ra một độ trễ nhỏ chỉ đủ để có một khoảng dừng sau khi ngón tay chạm vào màn hình, để điện thoại có thể phân biệt lực ấn của người dùng. "Chỉ một phần nhỏ của giây đó cũng đủ để điện thoại nhận biết được người dùng ấn mạnh hay nhẹ … Bạn có thể nhận thấy sự khác biệt khi tự mình chơi một bản nhạc", theo Yar Woo, phó chủ tịch của Smule, công ty sở hữu Magic Piano.

Jeffrey Smith, CEO của Smule, đã nêu ra sự khác biệt giữa những mẫu iPhone trước đây và mẫu mới nhất có 3D Touch: "Khi bạn nghe những nghệ sĩ dương cầm chơi trên những phím đàn thực, âm thanh phát ra thật tuyệt vời bởi họ biết sử dụng những khoảng trễ để nhấn mạnh và làm rõ kết cấu của bản nhạc. Đó về cơ bản chính là những gì chúng tôi đang làm với Magic Piano, và đó cũng là tất cả những gì chúng tôi có: Thể hiện cảm xúc thông qua việc kiểm soát thời gian".

Một ví dụ khác về ứng dụng 3D Touch. Endless Reader, một ứng dụng được tạo ra để giúp trẻ em học chữ cái và tập đọc, sử dụng 3D Touch để thay đổi hình dáng và âm phát ra của các chữ cái. Các từ sẽ xuất hiện trên màn hình và lũ trẻ chỉ cần ấn vào từng ký tự cụ thể để nghe âm thanh mà chúng tạo ra. Lực ấn càng mạnh, âm phát ra sẽ càng cao. "Theo kinh nghiệm của chúng tôi, 3D Touch phù hợp hơn với trẻ em", đại diện của Endless Reader cho biết, "Người lớn sẽ cần phải luyện tập một chút vì họ có đã quen cách sử dụng điện thoại thông thường".

 

Có thể bạn quan tâm