Hôm nay, phiên toàn thể Diễn đàn cấp cao về công nghiệp 4.0 - Industry 4.0 Summit 2019 với chủ đề “Chủ trương và chương trình hành động của Việt Nam chủ động tham gia CMCN 4.0” đã chính thức được khai mạc.
Phát biểu khai mạc sự kiện, ông Nguyễn Văn Bình - Trưởng ban Kinh tế Trung ương - cho biết:
Với Việt Nam, nhiều kết quả nghiên cứu trong nước và quốc tế đã dự báo việc tham gia CMCN 4.0 sẽ mang lại nhiều kết quả tích cực đối với tăng trưởng kinh tế đất nước trong tương lai. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, nắm bắt, nâng cao năng lực tiếp cận và chủ động tham gia CMCN 4.0. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị về nâng cao năng lực tiếp cận CMCN 4.0 và phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ. Trên cơ sở đó, các bộ, ngành, địa phương đã xây dựng và triển khai thử nghiệm một số chính sách nhằm thúc đẩy phát triển một số ngành công nghiệp CNTT, điện tử viễn thông.
Cụ thể, cơ sở hạ tầng viễn thông – CNTT của Việt Nam được xây dựng khá đồng bộ, vùng phủ sóng di động đạt 99,7% dân số trên cả nước. Trong đó, vùng phủ sóng 3G, 4G đạt trên 98% với mức cước phí thấp, mạng 5G đã được cấp phép thử nghiệm và dự kiến triển khai thương mại từ năm 2020. Kinh tế số được hình thành và phát triển với tốc độ khá nhanh, ngày càng trở thành một bộ phận quan trọng của nền kinh tế, xếp thứ ba trong khu vực ASEAN về quy mô nền kinh tế kỹ thuật số; công nghệ số được áp dụng trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ; xuất hiện ngày càng nhiều hình thức kinh doanh, dịch vụ mới, xuyên quốc gia, dựa trên nền tảng công nghệ số và Internet đang tạo nhiều cơ hội việc làm, thu nhập, tiện ích, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Cùng đó, việc xây dựng chính phủ điện tử tiến tới chính phủ số được triển khai quyết liệt, bước đầu đạt được nhiều kết quả tích cực.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Bình cũng cho biết, mức độ chủ động tham gia CMCN 4.0 của nước ta còn thấp, thể chế chính sách còn nhiều bất cập, xếp hạng chung về đổi mới thể chế của Việt Nam còn ở mức trung bình. Năm 2018, Diễn đàn Kinh tế Thế giới đánh giá Việt Nam đạt 50/100 điểm, xếp hạng 94/140 quốc gia.
Cùng với đó, thể chế cho các hoạt động kinh tế số, kinh tế chia sẻ, đổi mới sáng tạo chưa được hình thành đồng bộ; chưa có hành lang pháp lý cho thí điểm triển khai áp dụng các sản phẩm, mô hình kinh doanh dịch vụ mới của CMCN 4.0; chưa xây dựng được hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia cho ứng dụng và phát triển các công nghệ nền tảng của CMCN 4.0 trong sản xuất và đời sống; còn thiếu các quy định về bảo vệ cơ sở dữ liệu, thông tin dữ liệu cá nhân.
"...Quan điểm chỉ đạo của Đảng xác định CMCN lần thứ tư yêu cầu phải đổi mới tư duy về quản lý kinh tế, quản lý xã hội để xây dựng và hoàn thiện thể chế. Đồng thời, cần phải có cách tiếp cận mở, sáng tạo, mạnh dạn cho thí điểm đối với những vấn đề thực tiễn mới đặt ra tạo mọi điều kiện thuận lợi cho đổi mới sáng tạo… Đây là một điểm hết sức mới hết sức mạnh mẽ và có ý nghĩa to lớn..". |
Không những thế, cơ cấu và chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu; khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa thực sự là động lực phát triển kinh tế xã hội, hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia mới được hình thành, chưa đồng bộ và hiệu quả; quá trình chuyển đổi số quốc gia còn chậm, chưa chủ động, nhiều doanh nghiệp còn bị động, năng lực tiếp cận, ứng dụng, phát triển công nghệ số còn thấp; kinh tế số có quy mô còn nhỏ; việc đấu tranh với tội phạm, bảo đảm an ninh mạng còn nhiều thách thức phức tạp.
Từ thực tế trên, để nắm bắt và tận dụng các cơ hội của cuộc CMCN lần này, Bộ Chính trị đã giao Ban Kinh tế Trung ương chủ trì xây dựng Đề án “Chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0”. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu của Đề án, ngày 27/9 vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 52 về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0”. Trên cơ sở Nghị quyết này, tới đây Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương sẽ cụ thể hóa thành các chương trình hành động, kế hoạch thực hiện cụ thể trên các lĩnh vực.
Ông Nguyễn Văn Bình nhận định: Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị là một Nghị quyết toàn diện tổng thể đầu tiên của Đảng về chủ trương, chính sách của Việt Nam tham gia CMCN 4.0, được hệ thống chính trị và toàn xã hội đón nhận tích cực, nhiều chuyên gia quốc tế và trong nước đánh giá cao. Nghị quyết đã thể hiện rõ quan điểm và sự quyết tâm của Đảng khi coi chủ động tích cực tham gia cuộc CMCN 4.0 là yêu cầu tất yếu khách quan, là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng vừa cấp bách vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, gắn chặt với quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, đồng thời nhận thức đầy đủ đúng đắn về nội hàm, bản chất của cuộc CMCN 4.0 để có quyết tâm đổi mới tư duy và hành động, coi đó là giải pháp đột phá với bước đi và lộ trình phù hợp, là cơ hội để Việt Nam bứt phát trong phát triển kinh tế xã hội.
“Xây dựng và ban hành Nghị quyết của Bộ Chính trị là quan trọng nhưng đưa Nghị quyết nhanh chóng vào cuộc sống để Việt Nam có thể bắt kịp, tiến cùng và vươn lên ở một số lĩnh vực so với khu vực và thế giới trong CMCN 4.0 lại có ý nghĩa quyết định”, ông Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh.
Với mục đích sớm đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, đồng thời để đánh giá kết quả tham gia cuộc CMCN 4.0 trong thời gian qua và tạo cơ hội cho các cơ quan quản lý nhà nước, các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp cùng người dân được tham gia, trao đổi học hỏi kinh nghiệm với chuyên gia và doanh nghiệp quốc tế, Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với các bộ KH&ĐT, TT&TT, KH&CN, Công Thương, Ngân hàng Nhà nước và các bộ ngành khác; cùng tập đoàn IEC, Hội Tự động hóa Việt Nam và Hội Truyền thông số Việt Nam tổ chức Diễn đàn cấp cao và triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0 - Industry 4.0 Summit 2019. Sự kiện diễn ra trong hai ngày 2 – 3/10/2019, gồm 1 phiên toàn thể diễn đàn cấp cao, 5 hội thảo chuyên đề, 1 triển lãm công nghệ và 1 phiên kết nối đầu tư kinh doanh, với trên 3.000 đại biểu là lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương và địa phương, các đại sứ quán, các hiệp hội và doanh nghiệp trong nước và quốc tế. |