Trong những năm qua, hoạt động in lậu, in giả, in nối bản trái phép diễn ra với quy mô và tính chất ngày càng phức tạp. Hệ quả của in lậu đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của tác giả, gây thiệt hại kinh tế cho các nhà xuất bản. Tại một hội thảo về chống xuất bản phẩm lậu được tổ chức gần đây, đại diện các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực xuất bản, đại diện Cục Sở hữu trí tuệ Vương quốc Anh, các nhà xuất bản của Việt Nam và nước ngoài... đã cùng chia sẻ các giải pháp ngăn chặn, đẩy lùi xuất bản phẩm lậu và đưa ra kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền.
Theo lãnh đạo Cục Xuất bản – In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông, khi đối tượng in lậu nắm được nhu cầu của thị trường và bạn đọc về một cuốn sách cụ thể, họ sẽ móc ngoặc với cơ sở in lậu. Những máy in với công suất lớn hoạt động suốt đêm và ngay sáng hôm sau các nhà sách đã được chào hàng những cuốn sách đang thuộc dạng bán chạy với giá thấp hơn giá của nhà bản xuất đưa ra. Đây chính là cách khiến cho nạn xâm phạm bản quyền trong xuất bản ngày càng gia tăng.
Với lợi nhuận cao, nhiều cơ sở in bất chấp các quy định của pháp luật. Dù không có giấy phép in xuất bản phẩm nhưng nhiều công ty, nhà in, cơ sở in vẫn tham gia in nhiều đầu sách theo sự móc ngoặc với đối tượng in lậu. Mặt khác, để phát hiện ra nơi in sách lậu lại là một vấn đề hết sức khó khăn. Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam cho biết, trong những năm gần đây, vấn nạn xuất bản phẩm lậu lưu hành trái phép trên thị trường Việt Nam diễn biến ngày càng phức tạp với quy mô lớn, gây bức xúc không chỉ trong ngành mà còn là bức xúc của các cấp quản lý Nhà nước trong cuộc đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái. Đáng chú ý, trong số các xuất bản phẩm lậu đang lưu hành trên thị trường, có lẽ sách giáo dục chiếm tỉ lệ lớn nhất. Nhiều cơ sở, tổ chức, cá nhân hoạt động in lậu sách và phát hành sách lậu vẫn chưa được phát hiện, vẫn tiếp diễn trục lợi bất chấp pháp luật.
Lĩnh vực sách điện tử cũng hàng ngày hàng giờ đau đầu với vấn nạn bị xâm phạm tác quyền. Tại một hội thảo khác cũng về chống xâm phạm bản quyền, Bà Nguyễn Thị Hương Linh, Công ty CP Waka, đơn vị có tên tuổi trong lĩnh vực kinh doanh sách điện tử tại Việt Nam tiết lộ, mặc dù tỉ lệ sử dụng sách điện tử có bản quyền đã ngày càng tăng, tuy nhiên vẫn không thể đuổi kịp tỉ lệ dùng sách không có bản quyền. Những vi phạm ngày càng phức tạp, không chỉ là các nhóm, tổ chức, các website mà còn là vi phạm đến từ các cá nhân, với các hiện tượng copy và chia sẻ miễn phí trên Youtube, Facebook... Mục đích của những đối tượng này là càng có nhiều lượng tương tác, theo dõi càng tốt. Kết quả là để phục vụ cho họ bán hàng online, kiếm bộn tiền...
Dù là ấn phẩm in hay sách điện tử thì trước thực tế này, công tác quản lý nhằm đẩy lùi nạn xâm phạm bản quyền trong xuất bản đến nay vẫn thực thi được giải pháp hữu hiệu. Theo các chuyên gia, để đấu tranh có hiệu quả chống xuất bản phẩm lậu cần sự phối hợp của nhiều lực lượng.
Theo Đại sứ Vương Quốc Anh tại Việt Nam Gareth Ward, các nhà xuất bản quốc tế, Việt Nam và Vương quốc Anh đang phải đối mặt với vấn đề xuất bản phẩm in lậu khi hoạt động tại thị trường Việt Nam. Cần tiếp tục nâng cao nhận thức về vấn đề phòng chống in lậu và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực xuất bản cho người dân nhằm cải thiện môi trường kinh doanh khi Việt Nam tiếp tục hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu.
Chia sẻ những kinh nghiệm đẩy mạnh thực thi quyền tác giả, quyền liên quan, theo các chuyên gia bản quyền đến từ Nhật Bản, đất nước mặt trời mọc đã thực thi nhiều biện pháp đấu tranh với nạn xâm phạm bản quyền như yêu cầu xóa bỏ, cảnh cáo trực tiếp đến người làm bản lậu. Cục Bản quyền tác giả Nhật Bản nhận định, vấn nạn xâm phạm bản quyền đang ngày càng nghiêm trọng, nhất là trong thời đại khoa học kỹ thuật phát triển, ai cũng sẵn có một chiếc smart phone hay thiết bị thông minh khác trong tay. Tại Nhật Bản, xâm phạm bản quyền tác giả bị phạt rất nặng.
Đề cập đến thực trạng của ấn bản vi phạm quyền tác giả và biện pháp đối phó, ông Atsushi Ito (Phụ trách Pháp chế, NXB Shueisha Publishing Inc) nhận định: “Đây là thời đại mà ai cũng có thể dễ dàng làm bản lậu và ai cũng có thể kiếm lời dễ dàng. Hơn nữa, rủi ro lại thấp bởi danh tính trên mạng của các cá nhân thường được bảo vệ kỹ càng, truy tìm được một tài khoản vi phạm tương đối khó. Hoặc nếu bị phát hiện vì xâm phạm bản quyền thì cùng lắm cũng chỉ bị phạt tiền…”.
NXB Shueisha, thương hiệu hàng đầu tại Nhật Bản trong lĩnh vực xuất bản thời gian qua đã có nhiều biện pháp để đối phó. Cơ bản là các giải pháp như yêu cầu xóa bỏ, cảnh cáo trực tiếp đến người làm bản lậu; hoặc yêu cầu xóa bỏ, cảnh cáo đến dịch vụ, máy chủ mà người làm bản lậu sử dụng (Youtube, Instagram…). Tuy nhiên, với những địa chỉ như Youtube, Instagram… khi có thông báo vi phạm họ sẽ xử lý ngay. Ngược lại cũng có rất nhiều trường hợp hoàn toàn bị làm lơ và hiệu quả nhất là những biện pháp mạnh như tạo vụ án hình sự. Những bản án nghiêm khắc cũng giúp cho người dùng, hay độc giả các ấn bản lậu nhận ra rằng sử dụng những ấn bản lậu là không thế chấp nhận.
Ông Bùi Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL) cho biết, để hội nhập mạnh mẽ, Việt Nam đã từng bước sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống pháp luật sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan. Tuy nhiên, thực thi vấn đề này còn là khó khăn ở nhiều quốc gia, không riêng gì Việt Nam. Trong đó, lớn nhất vẫn là việc thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường số và Internet.