Chính sách cho Fintech: Cần cân bằng giữa kiểm soát rủi ro và lợi ích người dùng

Chính sách cho Fintech: Cần cân bằng giữa kiểm soát rủi ro và lợi ích người dùng
Tạp chí Nhịp sống số - Đó là bài toán khó đối với việc xây dựng chính sách cho Fintech, cũng là chủ đề của buổi tọa đàm “Chính sách quản lý Fintech” diễn ra hôm nay (20/8) tại Hà Nội.

Sự kiện do Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) kết hợp với Chuyên trang ICTnews (Báo Vietnamnet tổ chức), với sự tham gia của nhiều chuyên gia kinh tế, pháp lý cũng như đại diện của các cơ quan quản lý như Ngân hàng Nhà nước, Bộ TT&TT...  và đại diện gần 30 doanh nghiệp Fintech.

 fintech, Startup Fintech, Thị trường fintech Việt Nam, chính sách cho Fintech,

Những năm gần đây, lĩnh vực công nghệ tài chính (Fintech) đã có sự phát triển vượt bậc, làm thay đổi diện mạo hệ thống tài chính – ngân hàng, đem lại thuận tiện cho các giao dịch kinh doanh – tiêu dùng. Tuy nhiên, chính sách quản lý đối với lĩnh vực Fintech còn chưa theo kịp sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, dẫn đến nhiều bất cập cần được khắc phục. Thời gian vừa qua, cơ quan quản lý có những động thái nhằm siết chặt quản lý lĩnh vực Fintech, trong đó đáng chú ý là một số dự thảo quy định pháp luật hạn chế đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực trung gian thanh toán, hoặc hạn chế giá trị giao dịch và số tài khoản ví điện tử cũng như yêu cầu khai báo thông tin lại gây phiền hà cho người dùng…

Chia sẻ về mục đích của buổi Tọa đàm, ông Nguyễn Văn Bá - Phó Tổng Biên tập báo VietNamNet - cho biết: Tính đến nay Ngân hàng Nhà nước đã cấp phép cho hơn 30 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Fintech. Nhưng có thể thấy rõ, khi Fintech giúp các hoạt động, giao dịch tài chính, tiền tệ trở nên thuận tiện, nhanh chóng thì cũng đồng nghĩa với việc Fintech có khả năng bị lợi dụng để phục vụ cho các hoạt động, giao dịch bất hợp pháp. Nếu các chính sách, quy định điều chỉnh Fintech đặt ra quá nhiều hạn chế, ràng buộc để kiểm soát hoạt động bất hợp pháp để ngăn chặn việc Fintech bị sử dụng cho mục đích xấu thì lại ảnh hưởng trở lại đến sự thuận tiện của số đông người dùng.

Vì vậy, theo ông Nguyễn Văn Bá, điểm cốt yếu trong xây dựng chính sách cho Fintech là tìm ra sự cân bằng giữa kiểm soát rủi ro trong khi vẫn đảm bảo quyền lợi cho đa số người dùng - một nhiệm vụ không dễ dàng.

Đồng tình với quan điểm này, các chuyên gia đã phân tích, chia sẻ kinh nghiệm và đưa ra nhiều khuyến nghị về định hướng chính sách cho Fintech. Một mặt, các việc tăng cường quản lý là cần thiết nhằm tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, nâng cao tính bảo mật, an toàn cho các giao dịch tài chính, bảo vệ quyền lợi cho người dùng. Mặt khác, việc xây dựng chính sách cũng không nên vì một số trường hợp cá biệt mà áp đặt những hạn chế, ràng buộc gây bất tiện cho số đông người dùng, làm mất đi ý nghĩa tích cực của fintech đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế số và chủ trương phổ cập thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ.

 fintech, Startup Fintech, Thị trường fintech Việt Nam, chính sách cho Fintech,

Ông Ngô Văn Đức - Phó Trưởng Phòng Giám sát các hệ thống thanh toán, Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà Nước - cho rằng, hoạt động fintech phát triển ở Việt Nam nhưng chưa tương xứng với tiềm năng. Theo thống kê không chính thức của Ngân hàng Nhà nước, có gần 150 doanh nghiệp fintech đang hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau, chủ yếu là lĩnh vực thanh toán . Ngoài ra, còn có các lĩnh vực khác như cho vay ngân hàng, cung cấp giải pháp ngân hàng như xác thực điện tử, ứng dụng blockchain, dịch vụ tài chính cá nhân… Bên cạnh đó, hoạt động thanh toán của các ngân hàng thương mại cũng rất mạnh, ứng dụng công nghệ mới.

Tuy nhiên, theo ông Đức, khuôn khổ pháp lý đối với fintech (đặc biệt là quy định về quy chế quản lý) chưa có, cũng chưa có luật, nghị định quy định nào chức năng nhiệm vụ của cơ quan quản lý hoặc ngân hàng nhà nước. Nhận thức được tầm quan trọng của fintech, từ năm 2017, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ký quyết định thành lập Ban chỉ đạo fintech của Ngân hàng Nhà nước, trong đó một phó Thống đốc làm trưởng ban chỉ đạo, thành viên đến từ các vụ có liên quan như Vụ Thanh toán, Chính sách tiền tệ, Vụ Công nghệ… Nhiệm vụ chính của Ban chỉ đạo là tham mưu cho thống đốc để có giải pháp hoàn thiện hệ sinh thái fintech tại Việt Nam, quan trọng nhất là hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho sự hình thành và phát triển doanh nghiệp fintech. Từ đó đến nay, Ban này đã có nhiều hoạt động nhằm thu hút và tập hợp các tổ chức, công ty fintech để giới thiệu sản phẩm, giải pháp. Năm 2018, Ban này cũng thành lập các nhóm nghiên cứu các vấn đề trọng tâm như cho vay ngang hàng, xác thực khách hàng điện tử, giao diện lập trình ứng dụng mở… để đề xuất tham mưu thống đốc có giải pháp phù hợp.

"... Chúng tôi đang hoàn thiện đề án về cơ chế quản lý hoạt động fintech trong lĩnh vực ngân hàng và trình chính phủ, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm để thành lập cơ chế pháp lý cho hoạt động fintech. Thủ tướng chỉ đạo ngân hàng phối hợp bộ ngành như Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Thông tin truyền thông để hoàn thiện thêm đề án và trình trong thời gian sớm nhất. Thủ tướng cũng giao Ngân hàng Nhà nước làm đầu mối với các bộ ngành để nghiên cứu cho vay ngang hàng", ông Đức cho biết thêm.

Được biết, đến nay, việc xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý với hoạt động fintech đã hoàn thành xây dựng cơ chế quản lý đề án thử nghiệm. Trong đó, 4 mục tiêu quan trọng nhất là (1) Hoàn thiện hóa các giải pháp mà Chính phủ đã đề ra trong các đề án (như Đề án hỗ trợ Hệ sinh thái Khởi nghiệp Quốc gia đến năm 2025 được Thủ tướng phê duyệt trong quyết định 844, hay Quyết định 999 về Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ); (2) Thúc đẩy đổi mới sáng tạo và hiện đại hóa lĩnh vực hoạt động ngân hàng, thúc đẩy mục tiêu phổ cấp dịch vụ tài chính cho người dân; (3) Tạo lập môi trường thử nghiệm nhằm hoàn thiện phát triển giải pháp công nghệ phù hợp nhu cầu thị trường; (4) Cho phép một số công ty được thử nghiệm các giải pháp; nhằm hạn chế rủi ro cho khách hàng khi tham gia sử dụng các hoạt động fintech chưa được cấp phép chính thức.

Có thể thấy, ngoại trừ hoạt động fitnech trong thanh toán đã được hoàn thiện năm 2011-2012, các lĩnh vực khác chưa có khuôn khổ pháp lý để điều chỉnh. Các nhà cung cấp dịch vụ đang vướng rào cản pháp lý cơ bản để thu hút người dùng tham gia sử dụng dịch vụ khi chưa có cơ chế bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp cho họ. 

Phát biểu ý kiến tại Hội thảo, ông Varun Mittal, Phó Chủ tịch Hiệp hội Fintech Singapore, đồng thời là Trưởng Bộ phận tư vấn dịch vụ Fintech tại các thị trường mới của Ernst & Young Singapore, đánh giá Việt Nam có tiềm năng rất lớn để phát triển lĩnh vực Fintech, bắt kịp các quốc gia phát triển trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, nếu cơ quan quản lý giữ cách tiếp cận quá thận trọng, chỉ mở cửa từng bước, Fintech Việt Nam sẽ rơi vào lại nhóm trung bình và không thể phát huy hết tiềm năng như kỳ vọng.

Việc dự kiến hạn chế đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực Fintech (dự kiến ở mức 30% hoặc 49%) cũng đặc biệt gây quan ngại, do hiện nay sự phát triển của các doanh nghiệp Fintech vẫn phần lớn dựa vào đầu tư nước ngoài. Các startup trong lĩnh vực này đều cần có sự đầu tư về công nghệ, thị trường và nhân sự, trong khi đó các nguồn lực trong nước còn chưa đáp ứng được. Ngoài ra, đầu tư nước ngoài còn cho phép doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận các thành quả công nghệ mới, đặc biệt trong các lĩnh vực big data hay AI, vốn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để xây dựng các sản phẩm, giải pháp cho Fintech.

“Nếu muốn tạo điều kiện cho Fintech Việt Nam trở thành doanh nghiệp khu vực, chúng ta phải giúp họ phát triển, mở rộng quy mô, tiếp cận vốn, có cơ chế quản lý linh hoạt, có thể mở rộng, không chỉ phục vụ Việt Nam mà còn trở thành người khổng lồ châu Á” ông Ông Varun Mittal nhấn mạnh.

Cũng tại sự kiện này, Luật sư Phùng Anh Tuấn, Phó Chủ tịch - Tổng thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam, đánh giá các rào cản bảo hộ hiện nay không còn nhiều ý nghĩa do các nhà đầu tư nước ngoài có nhiều cách vượt qua, thông qua việc thành lập các tổ chức bình phong trong nước, hoặc thông qua người Việt Nam đứng tên hộ, do đó, cần tính đến phương pháp quản lý khác. Ông Tuấn cũng lưu ý các Hiệp định thương mại thế hệ mới như CPTPP hay EU – VN FTA, Việt Nam đều đưa ra cam kết mở cửa lĩnh vực tài chính – ngân hàng với phạm vi cam kết rất rộng, bao gồm tất cả các dịch vụ thanh toán và chuyển tiền, cung cấp và chuyển giao thông tin tài chính, và xử lý dữ liệu tài chính và phần mềm liên quan bởi các nhà cung cấp các dịch vụ tài chính khác; tư vấn, trung gian, và các dịch vụ tài chính phụ trợ khác. Vì vậy, các cơ quan xây dựng chính sách cần lưu ý để tránh vi phạm cam kết quốc tế của Việt Nam, dẫn đến hệ luỵ không mong muốn như các vụ kiện đầu tư (ISDS) tại nước ngoài thời gian gần đây.

Theo Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Kinh tế Việt Nam, Chính phủ Việt Nam có quyết tâm trong việc thúc đẩy kinh tế số và tạo điều kiện cho Fintech phát triển. Tuy nhiên, trong hoạt động xây dựng pháp luật, các cơ quan hữu quan còn khá chậm và lúng túng. Đặc biệt, trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, cơ quan quản lý thường trước hết nghĩ đến rủi ro trước tiên, do quan ngại về tác động lan toả. Đối với Fintech, cần có một cơ chế quản lý rủi ro linh hoạt để có điều chỉnh nhanh theo sự vận động của công nghệ và thị trường. Ông Thành cũng nhận xét, Việt Nam đã có những chính sách khá thoáng trong việc mở cửa một số lĩnh vực tài chính, cho phép thành lập công ty 100% vốn nước ngoài trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán, bảo hiểm, do đó cũng không nên quá lo ngại về việc không kiểm soát được lĩnh vực fintech nếu đã có các cơ chế giám sát khác. Ông Thành nhấn mạnh, đối với các lĩnh vực dịch vụ, không phải ở Việt Nam mà các nước khác cũng như vậy, thường có 2 – 3 khu vực mà các nước khá lăn tăn, thận trọng khi mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài…Đối với Fintech, về cơ bản nếu chúng ta đã có cơ chế Sandbox, thì mặc dù có rủi ro, điều kiện có thể thay đổi nhưng tác động, hậu quả sẽ không quá lớn.

 fintech, Startup Fintech, Thị trường fintech Việt Nam, chính sách cho Fintech,

Trước các vấn đề đặt ra tại tọa đàm này, ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó vụ trưởng Vụ Thanh Toán - Ngân hàng Nhà nước cho rằng, Việt Nam có nhiều lợi thế cho các doanh nghiệp Fintech phát triển đó là quy mô dân số với 96,2 triệu dân. Tỷ lệ tiếp cận các dịch vụ tài chính ngân hàng của người dân hiện nay là 45,8 triệu, chiếm 63 % dân số có tài khoản ngân hàng và tiếp cận với ít nhất 1 dịch vụ tài chính. Điều này cũng là nằm trong chiến lược thúc đẩy việc tiếp cận với các dịch vụ tài chính và phổ cập tài chính mà Chính phủ đã đề ra về thanh toán không dùng tiền mặt phấn đấu đến 2020 phấn đấu có khoảng 70% tỷ lệ người dân được tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước đang thưc hiện các giải pháp để thúc đẩy số lượng người dùng được tiếp cận với tài khoản ngân hàng đến con số 70% này.

“Trong 5 năm tới, thị trường sẽ có những sự thanh lọc nhất định, doanh nghiệp mới sẽ được thành lập và nhiều doanh nghiệp Fintech sẽ ra đi. Đây cũng là những quy luật của thị trường. Tuy nhiên nhìn vào các diễn biến hiện nay tôi cho rằng chắc chắn sẽ có các doanh nghiệp kỳ lân (các doanh nghiệp được định danh trên 1 tỷ USD). Hiện tôi thấy các doanh nghiệp thu hút được vốn đầu tư lớn từ các quỹ đầu tư nước ngoài vào các doanh nghiệp tiềm năng. Hi vọng trong 5 năm tới các doanh nghiệp đã được đầu tư sẽ có quy mô phát triển lớn hơn. Các cơ quan quản lý như Ngân hàng Nhà nước sẽ có các chính sách, giải pháp giúp hoàn thiện và phát triển hệ sinh thái Fintech để phát triển ổn định và có thể cạnh tranh” ông Sơn nói.

Có thể bạn quan tâm

Liên tục ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), MoMo đã đạt được nhiều thành tựu đột phá trong việc thúc đẩy chuyển đổi số cho đất nước. Nhờ đó, Fintech này tiếp tục có mặt trong “Top 10 Sao Khuê” năm thứ hai liên tiếp.