Chính thức vận hành hệ thống đấu thầu điện tử quốc gia mới

Chính thức vận hành hệ thống đấu thầu điện tử quốc gia mới
Tạp chí Nhịp sống số - Bộ Kế hoạch và Đầu tư chính thức đưa vào vận hành hệ thống đấu thầu quốc gia mới (e-GP) tại địa chỉ https://muasamcong.mpi.gov.vn từ hôm nay (16/9).

Hệ thống e-GP mới chạy được trên đa trình duyệt và đáp ứng mục tiêu quản lý thống nhất thông tin về đấu thầu cũng như thực hiện đấu thầu qua mạng, trên cơ sở đảm bảo an toàn, cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế.

Hệ thống đấu thầu mới được xây dựng trong khuôn khổ dự án "Ứng dụng thương mại điện tử trong mua sắm chính phủ" theo hình thức đối tác công tư (PPP), do Cục Quản lý đấu thầu phối hợp với Công ty TNHH Hệ thống thông tin FPT, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển hệ thống đấu thầu qua mạng quốc gia (IDNES) thực hiện.

Theo đó, từ ngày 16/9, khi mua sắm công bằng tiền ngân sách nhà nước của trung ương và địa phương, các đơn vị phải đăng tải kế hoạch, dự án, thông báo mời thầu và lựa chọn nhà thầu trên hệ thống e-GP mới.

Danh sách 23 đơn vị cung cấp CTS công cộng được công khai trên trang thông tin điện tử (NEAC) của bộ TT&TT tính tới ngày 15/9

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng có văn bản thông báo từ ngày 1/7, các đơn vị liên quan gồm bên mời thầu, nhà thầu phải chuyển đổi tài khoản đăng ký từ hệ thống e-GP cũ sang hệ thống e-GP mới, cũng như hoàn thành việc cập nhật thông tin trên hệ thống e-GP mới.

Điểm khác biệt lớn trên hệ thống e-GP mới là việc sử dụng chứng thư số công cộng thay cho chứng thư số chuyên dùng đã được sử dụng trên hệ thống e-GP cũ.

Các đơn vị và tổ chức phải sử dụng chứng thư số công cộng để xác thực thông tin của tổ chức/cá nhân đối với các nghiệp vụ lựa chọn nhà thầu và nhà đầu tư trên hệ thống e-GP mới.

Hệ thống e-GP mới chấp nhận và tương thích với hầu hết các chứng thư số công cộng được cung cấp bởi các đơn vị cung cấp chứng thư số công cộng có mặt tại Việt Nam đã được cấp phép hoạt động bởi Bộ Thông tin và Truyền thông.

Hệ thống e-GP mới hướng tới quản lý xuyên suốt quá trình mua sắm công điện tử từ cập nhật thông tin dự án, kế hoạch lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, phát hành hồ sơ mời thầu, nộp hồ sơ dự thầu, mở thầu, đánh giá xếp hạng nhà thầu, công khai kết quả đấu thầu đến việc thương thảo, ký kết hợp đồng trực tuyến, theo dõi quản lý quá trình thực hiện hợp đồng.

Có thể bạn quan tâm

Trong bối cảnh doanh thu viễn thông của nhà mạng nói chung suy giảm 5-10% trong năm 2023, riêng mảng viễn thông di động của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) vẫn giữ được tăng trưởng 0,8%.