Tiềm ẩn biến tướng cho vay tín dụng “núp bóng”
Theo nhóm nghiên cứu Trường Đại học Thương mại (chuyên gia Trần Ngọc Diệp, chuyên gia Chu Ngọc Duy), pháp luật Việt Nam hiện nay chưa có khái niệm cụ thể hay văn bản pháp luật được ban hành để điều chỉnh về hoạt động cho vay ngang hàng - P2P lending.
Tuy nhiên, tại công văn số 5228/NHNNCSTT của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về hoạt động cho vay ngang hàng đề cập tới cách hiểu về hoạt động này là: Hoạt động P2P Lending được thiết kế và xây dựng trên nền tảng công nghệ số, kết nối trực tiếp người đi vay với người cho vay (nhà đầu tư) mà không thông qua trung gian tài chính.
Theo đó, toàn bộ hoạt động vay, trả nợ (gốc, lãi) giữa người đi vay và người cho vay được nền tảng giao dịch trực tuyến của công ty vận hành nền tảng (P2P Lending) ghi nhận và lưu trữ bằng các bản ghi điện tử, số hóa trên hệ thống cơ sở dữ liệu của công ty P2P Lending, được đăng tải cho khách hàng đăng ký tham gia nền tảng truy cập”.
Xét theo tính chất của mô hình kinh doanh cho vay ngang hàng, đây là một tổ chức kinh tế, thực hiện hoạt động kinh doanh có tính chất nghề nghiệp nhằm mục đích sinh lời, vì vậy chủ thể này yêu cầu phải có tư cách thương nhân và chịu sự điều chỉnh của pháp luật về thương mại.
Những hoạt động thương mại mà các tổ chức này lại được thực hiện thông qua các phương tiện điện tử có kết nối internet dưới hình thức là các website, vì vậy hoạt động cho vay ngang hàng được xác định là hoạt động thương mại điện tử.
Theo quy định tại Nghị định 52/2013/NĐ-CP thì website này thực hiện hoạt động cung cấp dịch vụ cho vay nhưng không thực hiện việc cho vay bằng tài sản của mình, đây là dạng website dịch vụ thương mại điện tử.
“Bởi vậy, các website cung cấp dịch vụ cho vay ngang hàng cần tuân thủ các quy định của Luật giao dịch điện tử 2005, Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử và các văn bản khác có liên quan.
Nếu không có quy định chặt chẽ, có thể trong tương lai các hoạt động này sẽ biến tướng thành các hoạt động cho vay tín dụng nhưng “núp bóng” cho vay ngang hàng để né tránh các yêu cầu, điều kiện để được phép thực hiện cho vay tín dụng”, nhóm nghiên cứu Trường Đại học Thương mại nhấn mạnh.
Khảo sát cho thấy, hiện nay tại Việt Nam có hơn 40 công ty cung cấp nền tảng cho vay ngang hàng, trong đó, ngành nghề kinh doanh của các công ty này khác nhau, thậm chí có những công ty đăng ký ngành nghề kinh doanh không có liên quan với bản chất của hoạt động cho vay ngang hàng.
Nhiều công ty lại đăng ký những ngành nghề kinh doanh khác để né tránh hoặc lạm dụng danh nghĩa của hoạt động cho vay ngang hàng để thực hiện kinh doanh những ngành nghề khác mà không cần tuân thủ theo những điều kiện đầu tư mà pháp luật đưa ra như hoạt động cầm đồ hay hoạt động đánh giá tín nhiệm
Các công ty P2P Lending đang đăng ký rất nhiều ngành nghề kinh doanh khác nhau và mỗi công ty lại có một ngành nghề kinh doanh chính riêng biệt. Qua đó có thể thấy hệ thống pháp luật của nước ta vẫn chưa xác định được rõ bản chất của hoạt động này nhằm xác định ngành nghề kinh doanh phù hợp.
Điều chỉnh hoạt động về đúng bản chất
Nhóm nghiên cứu nhận định: Hầu hết các khoản vay trên nền tảng cho vay ngang hàng là các khoản vay ngắn hạn (từ 1 tháng đến 24 tháng). Đối với người đi vay, những đối tượng này được phép vay từ 1 triệu đến 1 tỷ đồng. Đối với các nhà đầu tư, số tiền đầu tư tối thiểu để tham gia vào nền tảng là từ 1 triệu đến 250 triệu.
Theo các thông tin được công bố trên website của các nền tảng (Tima.vn, Fiin.vn, ... ), tổng số tiền mà các nền tảng này giải ngân là một con số thực sự lớn. Điều này đặt ra nghĩa vụ cho các cơ quan chức năng nhằm kiểm soát hoạt động trên nền tảng.
Để điều chỉnh hoạt động cho vay ngang hàng theo khung pháp lý sao cho đúng với bản chất của mô hình P2P Lending, cần tạo điều kiện cho sự phát triển của các nền tảng cho vay ngang hàng.
Một khung pháp lý chỉ hiệu quả khi bên cạnh việc giúp kiểm soát các rủi ro, còn phải là cơ sở pháp lý giúp cho các hoạt động cho vay ngang hàng phát triển một cách lành mạnh.
“Để làm được điều đó, yếu tố tiên quyết đầu tiên là phải xác định được chính xác bản chất của cho vay ngang hàng tại Việt Nam. Đồng thời, đảm bảo sự đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành, và xu hướng phát triển của hệ thống pháp luật.
Ở đây, các quy định pháp luật đưa ra nhằm điều chỉnh hoạt động cho vay ngang hàng cần phải có tính thống nhất, không chồng chéo. Ngoài ra, các quy định đưa ra cần theo kịp thực tế, tránh chỉ mang tính lý thuyết”, nhóm nghiên cứu khuyến nghị.