Chuyển đổi số quốc gia: Hoàn tất xác thực 25 triệu thông tin tín dụng

Chuyển đổi số quốc gia: Hoàn tất xác thực 25 triệu thông tin tín dụng
Tạp chí Nhịp sống số - Đại diện các ngân hàng cho biết nhờ ứng dụng chuyển đổi số đến nay, ngân hàng đã cho phép khách hàng mở tài khoản thanh toán dựa trên xác thực dữ liệu dân cư nhằm hạn chế tình trạng lừa đảo.

Tại sự kiện ngày chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2023 với chủ đề “Ứng dụng dữ liệu dân cư trong ngân hàng - động lực thúc đẩy chuyển đổi số” diễn ra ngày 18/5, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đánh giá cao chuyển đổi số của ngành ngân hàng và nhấn mạnh ngân hàng được coi là "huyết mạch" của nền kinh tế. Vì vậy, ngành ngân hàng chuyển đổi số nhanh sẽ thúc đẩy cả nước chuyển đổi số nhanh.

Căn cước công dân gắn chíp thay đổi mọi mặt

Phát biểu tại sự kiện, đại diện một số ngân hàng cho biết nhờ ứng dụng chuyển đổi số đến nay nhiều ngân hàng đã cho phép khách hàng mở tài khoản thanh toán dựa trên xác thực dữ liệu dân cư, cho phép định danh, xác minh thông tin khách hàng bằng thẻ căn cước công dân gắn chíp hoặc ứng dụng VNeID.

Đơn cử như tại Vietcombank, trên cơ sở đồng ý của khách hàng, Vietcombank thí điểm kết nối hệ thống với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác thực/định danh khách hàng qua VNeID và nghiên cứu ứng dụng Mô hình chấm điểm tín dụng công dân như là một yếu tố tham khảo trong thẩm định/phê duyệt các khoản cho vay tiêu dùng/phát hành thẻ tín dụng giá trị nhỏ cho khách hàng trên kênh ngân hàng số (VCB Digibank).

“Thay vì phải chuẩn bị hồ sơ và đến ngân hàng để làm các thủ tục vay như trước đây, với giải pháp này, khách hàng có thể được phê duyệt khoản vay tín chấp/phát hành thẻ tín dụng ngay nếu đáp ứng điều kiện như định danh và xác thực qua VneID, điểm tín dụng công dân và một số tiêu chí khác chứng minh khả năng trả nợ của mình… là khách hàng có thể được cấp hạn mức tín dụng chỉ trong vài phút,” bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Phó Tổng giám đốc Vietcombank nhấn mạnh.

Cũng quan điểm, đại diện Agribank cũng cho biết ngân hàng đã tích cực triển khai ứng dụng dữ liệu dân cư trong hoạt động ngân hàng.

“Với hình thức này, khách hàng đến Agribank giao dịch chỉ cần chọn dịch vụ và ký duy nhất một chữ ký mà không cần viết hay điền bất kỳ thông tin gì bằng tay. Việc mở tài khoản, phát hành thẻ, đăng ký dịch vụ Agribank E-Mobile banking, cho đến vay vốn hay nộp tiền vào tài khoản… đều được thực hiện rất nhanh chóng, an toàn với độ chính xác cao do thông tin khách hàng được hệ thống đọc qua chip và được xác thực trực tiếp với cơ sở dữ liệu công dân của Bộ Công an,” đại diện Agribank cho biết.

Trước đây, với phương thức giao dịch truyền thống, thời gian thực hiện trung bình khoảng 20-25 phút, nay khách hàng chỉ mất từ 4-5 phút để hoàn tất giao dịch nếu sử dụng thiết bị đọc và xác thực thông tin căn cước công dân và các phần mềm hỗ trợ liên quan.

Trong khi đó, theo ông Trần Công Quỳnh Lân - Phó Tổng giám đốc VietinBank, với giấy tờ tùy thân là chứng minh nhân dân trước đây, kẻ gian có thể giả mạo giấy tờ tuỳ thân, thay ảnh chứng minh nhân dân để mở tài khoản ngân hàng. Bằng mắt thường và kỹ năng thông thường của giao dịch viên, khó có thể phát hiện được giấy tờ giả mạo.

Có những trường hợp kẻ gian thuê những người thiếu hiểu biết pháp luật để mở tài khoản và sử dụng tài khoản mua đó để gian lận, phạm tội. Ngay cả khi đổi sang giấy tờ tùy thân là căn cước công dân mới, nhiều khách hàng không đến ngân hàng để cập nhật những thông tin cá nhân đã thay đổi.

Do vậy, theo ông Lân để chăm sóc khách hàng tốt hơn cũng như ngăn chặn tình trạng sử dụng tài khoản giả mạo để luân chuyển dòng tiền, việc “làm sạch” dữ liệu là vô cùng cần thiết.

“Khi tài khoản đã được định danh, xác thực giao dịch bằng số tài khoản thì khi tội phạm đánh cắp được thông tin của khách hàng cũng không thể thực hiện giao dịch tài chính vì không khớp với dữ liệu số tài khoản. Bên cạnh đó khi tài khoản khách hàng được định danh, chúng ta có thể xác định rõ đối tượng đang thực hiện chuyển tiền, lưu vết người chuyển tiền, tránh việc thuê mướn người mở tài khoản,” ông Lân nhấn mạnh.

Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết Ngân hàng Nhà nước đã kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư "làm sạch" thông tin tín dụng 25 triệu khách hàng và phục vụ cho nhiều hoạt động nghiệp vụ khác.

Đánh giá cao về sự chuyển đổi số này, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh: "Qua nghiên cứu và tìm hiểu về các sản phẩm, dịch vụ tiện ích ngân hàng, tôi thật sự ấn tượng về những thành quả mà ngành ngân hàng đã đạt được. Chỉ trong thời gian chưa đến một năm, từ tháng 8/2022 đến nay các đồng chí đã có thêm rất nhiều sản phẩm, dịch vụ mới dựa trên nền tảng chuyển đổi số," Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu tại sự kiện.

Đặc biệt, ngành ngân hàng cũng đã và đang tích cực triển khai Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ để ứng dụng dữ liệu dân cư trong các hoạt động nghiệp vụ với nhiều sản phẩm-dịch vụ thiết thực, phục vụ tiện ích cho người dân, doanh nghiệp. Đến tháng 4/2023, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với Bộ Công an hoàn thành xác thực hơn 25/51 triệu thông tin tín dụng khách hàng vay với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (tăng hơn 7 triệu thông tin so với tháng 3/2023), trong đó đã có 21,3 triệu thông tin khách hàng trùng khớp (đạt 83,28%). Hai cơ quan này phấn đấu đến tháng 6/2023, hoàn thành xác thực 51 triệu thông tin tín dụng khách hàng.

Phó Thủ tướng chỉ rõ, chuyển đổi số phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, làm mục tiêu, động lực. Toàn ngành ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính, thực hiện các biện pháp tiết kiệm để giảm chi phí vốn, giảm mặt bằng lãi suất để phục vụ tốt hơn nữa cho người dân và doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng đề nghị ngành ngân hàng tiếp tục chủ động nắm bắt nhu cầu thực tiễn của người dân, doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng để xây dựng các văn bản pháp lý phù hợp với thực tiễn và bối cảnh chuyển đổi số, tạo thuận lợi cho ứng dụng công nghệ số vào hoạt động kinh doanh, cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng để nâng cao hiệu quả hoạt động và tạo sự hài lòng, gắn bó của khách hàng.

Lưu ý công tác chuyển đổi số phải được thực hiện, thúc đẩy một cách tổng thể để đảm bảo hiệu quả, tránh lãng phí nguồn lực, Phó Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đẩy mạnh đầu tư, phát triển các hạ tầng dùng chung của ngành như hạ tầng thanh toán, hạ tầng thông tin tín dụng để làm hạt nhân và theo kịp được nhu cầu phát triển của các hệ thống vệ tinh là các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán, các hạ tầng tập trung để cho phép kết nối, khai thác và chia sẻ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu doanh nghiệp...

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước thúc đẩy kết nối, trao đổi dữ liệu giữa các ngành, lĩnh vực để phát triển hệ sinh thái số các dịch vụ ngân hàng và ngoài ngân hàng, mang lại giá trị mới và lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức, hiểu biết cho người dân, doanh nghiệp, để có thể sử dụng dịch vụ ngân hàng trên kênh số một cách thuận tiện, an toàn và phòng tránh rủi ro bị tội phạm lợi dụng, lừa đảo, đánh cắp thông tin.

Có thể bạn quan tâm

Từ ngày 28/10, người dân có thể khởi tạo chữ ký số VNPT SmartCA ngay trên ứng dụng VNeID của Bộ Công an và sử dụng chữ ký số này thực hiện ký số miễn phí hoàn toàn trên các cổng dịch vụ công.