Biohacking có thể xem là một nhánh của thuyết siêu nhân học (transhumanism), được biết đến với mục tiêu chuyển hóa (transform) các điều kiện sinh học của cơ thể lên mức post-human (tạm dịch là hậu nhân) bằng cách tạo ra và phát triển các công nghệ phức tạp có thể tăng cường trí tuệ, tư duy và thể trạng con người. Để phản pháo các chỉ trích, những người theo thuyết siêu nhân học có hẳn một tuyên ngôn trong đó nói rõ: “Con người có quyền làm mọi thứ với cơ thể họ, miễn là điều đó không hại người khác”.
Và NewFusion - một công ty marketing kỹ thuật số và công nghệ tại Bỉ, đã quyết định thay thế các thẻ định dạng nhân viên bằng việc ứng dụng công nghệ này. Theo đó, các nhân viên của NewFusion có quyền lựa chọn cấy một con chip siêu nhỏ vào bàn tay để truy cập vào trụ sở và hệ thống máy tính của công ty. Họ có thể lựa chọn cấy các loại chip định dạng tần số vô tuyến điện tử (RFID) vào giữa ngón trỏ và ngón cái hoặc đeo một loại nhẫn gắn chip nếu họ không sẵn sàng để trở thành “robot sống”. Những con chip này bao gồm các dữ liệu cá nhân của người sở hữu, quyền truy cập vào các tài sản của công ty.
Mặc dù NewFusion gần như là công ty Bỉ đầu tiên tiến hành sáng kiến cấy chip, nhưng đây cũng không phải là công ty duy nhất trên thế giới thực hiện việc này. Vào mùa hè năm ngoái, ông Amal Graafstra, một nhà truyền giáo về biohacking (bẻ khóa sinh học*) đi đầu trong phong trào cấy ghép, đã bán các khái niệm này thông qua công ty Dangerous Things của mình và qua các buổi diễn thuyết TED Talks.
Việc cấy ghép tương tự cũng đang được sử dụng tại Cộng hòa Séc, thông qua một tổ chức phi lợi nhuận có tên Paralelni Polis, chuyên cung cấp các giao dịch Bitcoin thông qua các vi mạch.
Việc sử dụng vi mạch là tiện dụng nhưng nó làm dấy lên những quan ngại về vấn đề đạo đức, an ninh và an toàn cá nhân. Mặc dù thiết bị của ông Graafstra không theo dõi người đeo, nhưng những hệ thống cấy ghép khác thì có thể, đặc biệt là khi hệ thống đã được cấy vào người sử dụng.
Một vấn đề nữa đó là cấy chip sẽ làm cho quá trình “nhảy việc” trở nên phức tạp hơn. Chẳng ai muốn trải qua quy trình phẫu thuật mỗi khi thay đổi công việc?