Công nghệ blockchain sẽ là chìa khóa để tự động hóa các chuỗi cung ứng

Công nghệ blockchain sẽ là chìa khóa để tự động hóa các chuỗi cung ứng
Tạp chí Nhịp sống số - Công nghệ blockchain có thể được coi là chìa khóa để tự động hóa các chuỗi cung ứng, nhờ sự vượt trội về tính hiệu quả, bảo mật, minh bạch và khả năng giảm chi phí.

Công nghệ blockchain sẽ là chìa khóa để tự động hóa các chuỗi cung ứng

Được đánh giá là một trong những công nghệ mang tính đột phá và cấp tiến nhất thời gian gần đây, blockchain có khả năng thúc đẩy nhiều ngành nghề và thay đổi tương lai của kinh doanh. Đặc biệt, công nghệ này có thể là chìa khóa để tự động hóa các chuỗi cung ứng.

Theo Tiến sĩ Phạm Công Hiệp là giảng viên cấp cao Khoa Kinh doanh và Quản trị, Đại học RMIT Việt Nam, công nghệ blockchain từng “làm mưa làm gió” trên thị trường tài chính toàn cầu với các đồng tiền mã hóa Bitcoin, Ethereum hay Ripple. Nhưng có lẽ phần lớn công chúng chưa biết đến ứng dụng của blockchain trong các lĩnh vực khác như chuỗi cung ứng và logistics, nơi công nghệ này đang ngày càng được ưa chuộng nhờ sự vượt trội về tính hiệu quả, minh bạch và khả năng giảm chi phí.

Nâng cao minh bạch và khả năng truy xuất nguồn gốc sản phẩm

Các chuỗi cung ứng ứng dụng blockchain cho phép tất cả các bên liên quan - từ sản xuất đến phân phối và bán hàng - truy cập thông tin đáng tin cậy và có thể kiểm chứng về chuyển động và dòng thời gian của bất kỳ sản phẩm nào. Là cơ sở hạ tầng dữ liệu theo hình thức ngang hàng và phi tập trung, blockchain giúp dữ liệu minh bạch và có khả năng hiển thị cao.

Điều này giúp đảm bảo truy xuất nguồn gốc, tính xác thực và hợp pháp của sản phẩm, bởi không ai có thể thay đổi thông tin về nguồn gốc sản phẩm, và các quy trình sản xuất, phân phối cần thiết, mà không được sự cho phép.

Một số chuỗi cung ứng thực phẩm, kim cương và dược phẩm đã áp dụng thành công tính năng này của blockchain để đảm bảo chất lượng và tính xác thực của sản phẩm, cũng như thực hiện thu hồi sản phẩm một cách nhanh chóng hơn.

Số hóa và giảm các bên trung gian trong chuỗi cung ứng

Chuỗi cung ứng trong thương mại quốc tế rất phức tạp vì bao gồm nhiều bên liên quan tại nhiều quốc gia. Nhiều quy trình hiện vẫn dựa trên giấy tờ bản cứng, gây trì hoãn việc chia sẻ thông tin và cản trở hàng hóa lưu thông hiệu quả.

Theo đánh giá của tập đoàn Maersk và bộ phận blockchain của IBM, một lô hàng vận chuyển từ Đông Phi đến châu  u có thể liên quan đến hơn 30 người và tổ chức, với hơn 200 hoạt động tương tác và liên lạc khác nhau.

Các giải pháp blockchain trong vận chuyển hàng hải và khai thác cảng có thể cải thiện đáng kể việc số hóa các hoạt động xuyên biên giới, mang lại hiệu quả và giảm chi phí.

Ứng dụng như vậy sẽ cho phép theo dõi các chuyển động của lô hàng, tài liệu và giao dịch tài chính, mà không cần dựa vào xác minh của các tổ chức tài chính trung gian hoặc cập nhật thông tin thủ công từ nhiều nguồn khác nhau.

Để minh họa, Ngân hàng Barclays từng cho biết hệ thống thanh toán dựa trên nền tảng blockchain có thể rút ngắn thời gian giao dịch từ 7-10 ngày xuống ít hơn bốn giờ, bằng cách loại bỏ những bên trung gian vốn có trong các hệ thống truyền thống.

Cải thiện bảo mật dữ liệu để chia sẻ thông tin tích hợp

Năm 2017, mã độc tống tiền NotPetya đã làm tê liệt mạng lưới máy tính vận chuyển của Maersk, khiến hãng này phải tạm dừng hoạt động tại 76 bến cảng trên khắp thế giới, gây thiệt hại lên tới 300 triệu đô la Mỹ.

Sự cố như vậy diễn ra là do tình trạng chỉ có một điểm truy cập dữ liệu duy nhất, điều có thể được giảm thiểu bằng cách phân cấp nguồn dữ liệu thông qua blockchain.

Cơ chế blockchain khiến việc cập nhật hay xóa giao dịch một cách trái phép trở nên gần như bất khả thi. Dữ liệu gốc đã xác thực có thể được truy cập từ nhiều nguồn trong blockchain, giúp giảm rủi ro từ một nguồn thông tin duy nhất.

Với cơ chế này, các bên đã được ủy quyền cũng có thể truy cập vào dữ liệu thương mại bảo mật theo yêu cầu của quy tắc kinh doanh hay luật pháp trong nước và quốc tế.

Các đặc tính chống gian lận cao như vậy sẽ nâng cao niềm tin cho các đối tác trong chuỗi cung ứng và người tiêu dùng cuối cùng.

Thỏa thuận tự thực hiện (hợp đồng thông minh)

Được coi là một trong những sáng kiến mang tính đột phá nhất từ blockchain, hợp đồng thông minh (smart contract) là một loại giao thức máy tính có khả năng thực hiện các điều khoản đã thỏa thuận một cách tự động trên nền tảng blockchain.

Loại thỏa thuận tự thực hiện này có thể tác động mạnh mẽ đến ngành luật, ngân hàng, bất động sản, vận chuyển và logistics.

Một ví dụ về hợp đồng thông minh là khi người mua nhận được một lô hàng và lô hàng này được xác minh trên một số cái blockchain, thì khoản thanh toán sẽ được tự động chuyển cho người bán mà không cần thao tác của người mua.

Điều này sẽ giảm thiểu hoặc thay thế được các bước can thiệp thủ công cũng như các bên trung gian thường tham gia vào việc thực hiện hợp đồng, giúp giảm chi phí và rút ngắn thời gian hoàn thành.

Ứng dụng blockchain trong chuỗi cung ứng tại Việt Nam

Cần lưu ý rằng Việt Nam hiện đang thiếu khung pháp lý chính thức để thể chế hóa các sản phẩm và dịch vụ dựa trên blockchain, tuy nhiên những nỗ lực hoàn thiện vẫn đang tiến triển.

Vào cuối tháng 3/2020, Bộ Tư pháp đã trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo số 70/BC-BTP về việc rà soát khuôn khổ pháp lý có liên quan đến các sản phẩm, dịch vụ blockchain. Báo cáo cũng đưa ra một số đề xuất xây dựng môi trường hỗ trợ cho việc sử dụng và phát triển các ứng dụng blockchain một cách sáng tạo và hợp pháp.

Nhìn chung, việc triển khai blockchain trên quy mô nhỏ trong một phần nhất định của chuỗi cung ứng sẽ là lựa chọn khôn ngoan, vì blockchain còn tương đối non trẻ về cả công nghệ, tính pháp lý và mức độ tổ chức.

Cần phải nhận thức rõ rằng blockchain không phải là giải pháp cho tất cả các nhu cầu xác minh độ tin cậy của mọi dữ liệu chia sẻ. Nó có tính ứng dụng tốt nhất khi một chuỗi cung ứng liên quan đến nhiều người không quen biết và những người này có thể ra vào chuỗi cung ứng bất cứ lúc nào, và nhất là khi sự tin cậy, minh bạch và truy xuất nguồn gốc là tối quan trọng.

Các tổ chức nên tiến hành đánh giá đúng nhu cầu kinh doanh của mình, nói chuyện với một chuyên gia blockchain và nhận thức được những cạm bẫy của blockchain.

Ngoài ra, blockchain sử dụng kho lưu trữ dữ liệu phi tập trung và tất cả người dùng cần đóng góp vào chi phí bảo trì của hệ thống đó (nhằm duy trì hiệu suất, bảo mật). Điều này có thể đặt ra một thách thức đáng kể cho nhiều doanh nghiệp nhỏ.

Cuối cùng, chuỗi cung ứng thực sự tự động chỉ có thể thực hiện được khi thông tin truyền trong chuỗi cung ứng đến những người đã đăng ký tham gia một cách tự do, mà vẫn giữ được tính xác thực và bảo mật, cũng như khả năng mở rộng hiệu suất và hiệu quả chi phí.

Do đó, để đón nhận công nghệ mới nổi này, điều quan trọng là người dùng phải tăng cường nhận thức và thay đổi suy nghĩ của họ theo tôn chỉ đảm bảo tính minh bạch.

Có thể bạn quan tâm

Tập đoàn hàng đầu về quản lý năng lượng, Schneider Electric đã phát triển nhiều dòng APC UPS tân tiến trong 4 thập kỷ, giúp đảm bảo nguồn điện ổn định và tối ưu hóa tiêu thụ năng lượng, hỗ trợ trung tâm dữ liệu giảm thiểu dấu chân carbron, hướng đến phát triển bền vững.