Công nghệ mới giúp doanh nghiệp “bình đẳng” trên hành trình chuyển đổi số

Tạp chí Nhịp sống số - Thay vì phải đầu tư tốn kém vào các hệ thống lớn để được tiếp cận các công nghệ mới, các doanh nghiệp cần những nền tảng linh hoạt với mức chi phí vừa sức để có thể chuyển đổi số hiệu quả theo từng giai đoạn phát triển…

Khi các SME phải “mặc áo quá khổ”

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến cuối năm 2024, Việt Nam có hơn 940.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) chiếm gần 98%. Tuy nhiên, phần lớn trong số này vẫn gặp khó khăn trong việc triển khai các giải pháp công nghệ phù hợp với quy mô và nhu cầu thực tế của mình.

Nhiều doanh nghiệp nhỏ thiếu chiến lược rõ ràng và e ngại về hiệu quả đầu tư vào công nghệ

Ở quy mô nhỏ hơn, tại Hà Nội - một trong ba đô thị lớn nhất của cả nước, một nghiên cứu thực hiện năm 2024 cũng cho thấy có đến 57,6% SME gặp khó khăn trong quá trình chuyển đổi số. Sự hạn chế về nguồn lực chủ yếu nằm ở “bộ ba” Tài chính – Hạ tầng công nghệ - Nguồn nhân lực. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp nhỏ thiếu chiến lược rõ ràng và e ngại về hiệu quả đầu tư vào công nghệ, dẫn đến việc chậm trễ trong việc áp dụng các giải pháp số hóa. Thậm chí, nhiều đơn vị mới chỉ dừng lại ở việc “có website” hoặc “quản lý qua Excel”, trong khi bài toán vận hành – từ chăm sóc khách hàng, quản lý nhân sự đến marketing – ngày càng đòi hỏi hệ thống bài bản hơn.

Trong khi đó, hầu hết các giải pháp công nghệ trên thị trường hiện nay đều được thiết kế cho những doanh nghiệp lớn – nơi có sẵn ngân sách dồi dào và đội ngũ IT đông đảo. Tình trạng này khiến các SME với quy mô nhỏ và nguồn lực hạn chế, thường buộc phải mang những chiếc áo quá rộng hoặc chấp nhận những bộ công cụ giới hạn, thiếu linh hoạt. Điều này khiến họ bị “hụt hơi” về chi phí hoặc sử dụng không hiệu quả các hệ thống. Đó là chưa nói đến tính đặc thù của một số ngành nghề chuyên biệt.

Bên cạnh những công cụ “đóng khung”, xu hướng giải pháp công nghệ có thể tùy chỉnh theo từng bước phát triển của doanh nghiệp đang nổi lên như một lựa chọn bền vững. Theo Gartner 2023, 70% doanh nghiệp trong vài năm tới sẽ ưu tiên các hệ thống cho phép điều chỉnh linh hoạt, kết nối nhiều nghiệp vụ, tránh phải đầu tư lại từ đầu khi doanh nghiệp mở rộng.

Đây cũng là lý do nhiều doanh nghiệp nhỏ, sau giai đoạn thử nghiệm các công cụ miễn phí hay rời rạc, bắt đầu tìm kiếm những nền tảng có thể “may đo” theo đúng nhu cầu – vừa đủ để quản lý khách hàng, vận hành nội bộ, và từng bước bổ sung các tính năng khi cần thiết.

Giúp DN nhỏ, hộ kinh doanh chuyển đổi số “vừa sức”

Từ chính những nhu cầu thực tế ấy, một số nền tảng công nghệ tại Việt Nam đã bắt đầu đi theo hướng linh hoạt hóa quy trình quản trị, trong đó phải kể đến Hệ thống kinh doanh số hội tụ BIZCOM do VietnamPedia phát triển.

Không khoa trương về kỹ thuật, Bizcom đi thẳng vào cốt lõi nhu cầu doanh nghiệp: một hệ thống quản trị khởi đầu nhỏ, vận hành gọn, nhưng có thể mở rộng không giới hạn theo từng bước phát triển. Đặc biệt, là một hệ thống kinh doanh số hội tụ, Bizcom được xây dựng linh hoạt để đáp ứng các nhu cầu đặc thù ở các quy mô doanh nghiệp khác nhau.

Lý giải điều này, ông Khúc Ngọc Anh - Giám đốc VietnamPedia – chia sẻ, mỗi doanh nghiệp, mỗi ngành nghề có một bài toán riêng, và Bizcom giải bài toán ấy theo hướng tiếp cận Đúng và Đủ. Từ quản lý khách hàng, nhân sự, đến kế hoạch marketing hay xử lý đơn hàng… tất cả đều có thể bắt đầu từ những module nhỏ nhất, vừa đủ để giải quyết bài toán hiện tại mà không buộc doanh nghiệp phải đầu tư “cồng kềnh” ngay từ đầu

Với cách tiếp cận này, doanh nghiệp nhỏ - và thậm chí là cả các hộ kinh doanh - đều có thể bắt đầu hành trình số hóa bằng một khoản chi phí hợp lý, chỉ từ vài trăm nghìn đồng mỗi tháng. Khi doanh nghiệp phát triển lớn hơn, hệ thống cũng tăng trưởng theo, từng bước mở rộng thêm các tính năng, module cần thiết mà không phải làm lại từ đầu.

Chính sự linh hoạt và hội tụ đó đã giúp Bizcom phủ sóng nhiều lĩnh vực khác nhau – từ xuất nhập khẩu, dịch vụ y tế, đến giáo dục – mỗi ngành một quy trình, một đặc thù, nhưng đều có thể vận hành trơn tru trên một nền tảng duy nhất.

Chia sẻ về “triết lý” phát triển Hệ thống Kinh doanh số hội tụ BIZCOM, ông Khúc Ngọc Anh -– cho biết: “Chúng tôi không xây dựng một phần mềm, mà tạo ra một nền tảng mở để doanh nghiệp có thể linh hoạt mở rộng hoặc thu gọn, tùy vào nhu cầu và quy mô từng giai đoạn.”

Với cách tiếp cận toàn trình, linh hoạt này và những ưu điểm vượt trội so với các hệ thống tương tự trên thị trường, BIZCOM đã được vinh danh tại Giải thưởng Sao Khuê 2025 tại hạng mục Sản phẩm - giải pháp - phần mềm dịch vụ mới.

Bên cạnh các giá trị mang lại cho cộng đồng doanh nghiệp và xã hội, giải thưởng này của BIZCOM cũng góp phần phản ánh xu hướng chuyển đổi số “vừa sức” – doanh nghiệp lớn đến đâu, công nghệ đáp ứng theo đến đó, tránh lãng phí nguồn lực đồng thời tối ưu giá trị mang lại.

Có thể bạn quan tâm

Ngày 19/4, Ứng dụng Gimo đã được vinh danh TOP 10 Giải thưởng Sao Khuê 2025 ở lĩnh vực “Giải pháp thúc đẩy tiếp cận số”. Đây là sự ghi nhận cho nỗ lực phát triển một Nền tảng Phúc lợi toàn diện của Gimo, hướng tới người lao động Việt có thu nhập vừa và thấp.