Covid-19 mang đến những cơ hội mới cho các DN đột phá của ASEAN

Covid-19 mang đến những cơ hội mới cho các DN đột phá của ASEAN
Tạp chí Nhịp sống số - Trong khi toàn cầu vẫn đang "lao đao" vì Covid-19, ASEAN đang nổi lên như là một trong những khu vực có nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới, coi di động là ưu tiên hàng đầu với sự phát triển của nhiều nền tảng số bao trùm các lĩnh vực thiết yếu.

Cisco mới đây công bố một báo cáo có tiêu đề Những tổ chức đột phá mới từ đại dịch toàn cầu (Emerging Disruptors from the Global Pandemic), báo cáo này xem xét quá trình chuyển đổi các dịch vụ thiết yếu tại khu vực trong bối cảnh đại dịch COVID-19 cũng như các mô hình của những tổ chức đột phá thành công. Đây là kết quả một nghiên cứu do Cisco và Jungle Ventures hợp tác thực hiện. 

Báo cáo này cho thấy, với tác động tích cực từ các chương trình số hóa quốc gia, nhiều doanh nghiệp (DN), tổ chức của các quốc gia ASEAN đã hoạt động và làm việc từ xa hiệu quả trong đại dịch COVID-19. Nhờ đó, khu vực ASEAN đang nổi lên như là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới, coi di động là ưu tiên hàng đầu với sự phát triển của nhiều nền tảng số bao trùm các lĩnh vực thiết yếu. 

Ông Naveen Menon - Chủ tịch Cisco khu vực ASEAN - cho biết: “Đại dịch COVID-19 đã khơi gợi năng lực nội tại của con người trong việc đổi mới sáng tạo trên quy mô lớn, tốc độ cao, khi phải đối phó với những khó khăn. Một số ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát, như giáo dục, y tế và chuỗi cung ứng, đã có thể định hình lại tương lai, triển khai các chiến lược sáng tạo cũng như mạnh mẽ áp dụng tư duy khởi nghiệp. Chúng ta đang chứng kiến những làn sóng sáng tạo để thích ứng với trạng thái bình thường mới này.” 

Báo cáo được công bố tại Hội nghị bàn tròn trực tuyến độc quyền với báo chí khu vực ASEAN

Báo cáo cũng chỉ ra những thay đổi trong nền kinh tế toàn cầu đã tác động như thế nào đến sự "trỗi dậy" của những công ty khởi nghiệp, cũng như giúp các ngành công nghiệp thích ứng và tạo ra những đột phá mới cho các tổ chức. Phần lớn các nền kinh tế khu vực ASEAN vẫn đang hoạt động ngoại tuyến tạo ra cơ hội lớn cho các công ty khởi nghiệp công nghệ. Số liệu mới đây từ STATION F, một trong những trung tâm khởi nghiệp lớn nhất thế giới, cho thấy 18% số công ty khởi nghiệp trên phạm vi toàn cầu đã có ý định thâm nhập các thị trường mới kể từ khi bắt đầu giai đoạn khủng hoảng và khoảng 13% DN nữa đang xem xét động thái tương tự trong vòng 6 tháng tới. 

Bổ sung thêm thông tin về vấn đề này, ông Amit Anand - Thành viên sáng lập của quỹ đầu tư mạo hiểm Jungle Ventures - cho biết: “Đột phá trong kinh doanh có thể là yếu tố thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, và nhiều công ty khởi nghiệp tại khu vực ASEAN đang đi đầu trong quá trình chuyển đổi số để lấp đầy khoảng trống và nắm bắt các cơ hội mới". 

Với quan điểm này, Jungle Ventures đã tăng cường đầu tư vào các công ty khởi nghiệp cả ở giai đoạn ban đầu và giai đoạn tăng trưởng tại khu vực Đông Nam Á.

Báo cáo này đưa ra phân tích chuyên sâu về cách thức các DN trong ba ngành quan trọng là giáo dục đào tạo, y tế và chuỗi cung ứng & logistics đã ứng phó với khủng hoảng cũng như ứng dụng công nghệ một cách nhanh chóng và sáng tạo để giảm thiểu gián đoạn hoạt động dịch vụ.

Với giáo dục, số liệu của UNESCO cho thấy, đại dịch Covid-19 đã khiến nhiều trường học và cơ sở đào tạo phải đóng cửa, làm gián đoạn hoạt động học tập của hàng tỷ học sinh, sinh viên trên phạm vi toàn cầu, trong đó có 160 triệu học sinh, sinh viên khu vực ASEAN. Công tác giảng dạy nhanh chóng chuyển sang hình thức trực tuyến, trên quy mô chưa được kiểm chứng và chưa có tiền lệ khiến các giáo viên gặp khó khăn trong việc thích ứng. Mặc dù đã có 350 triệu người dùng Internet, hạ tầng công nghệ và kết nối Internet – những yêu cầu tiên quyết hỗ trợ cho hoạt động học tập từ xa này vẫn chưa được tiếp cận một cách bình đẳng tại nhiều khu vực và cộng đồng trong ASEAN. 

Với y tế, báo cáo cho thấy, dịch bệnh đã góp phần tạo ra bước ngoặt cho các tổ chức y tế truyền thống mong muốn đầu tư vào công nghệ số cũng như chuyển đổi mô hình hoạt động. Độ linh hoạt và đổi mới sáng tạo là hai ưu thế quan trọng của các đơn vị đột phá đang thâm nhập thị trường y tế. 

Những tổ chức đột phá hàng đầu trong lĩnh vực này bao gồm Homage, một công ty khởi nghiệp tại Singapore đang đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về y tế dự phòng tại quốc gia có bối cảnh dân số già hóa ngày càng tăng bằng việc giới thiệu dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà chuyên nghiệp theo yêu cầu của từng cá nhân. 

Báo cáo này còn cho thấy, trong tương lai, các chuyên gia y tế và đơn vị trong ngành vẫn tiếp tục duy trì ứng dụng các công nghệ số ngay cả khi thế giới đã kiểm soát được đại dịch COVID-19. Trong khi các cơ sở y tế công cộng và tư nhân cần thích ứng thì các chính phủ nên ban hành chính sách hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi này. Điều này có khả năng tạo nên trạng thái bình thường mới trong ngành y tế với công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu và y tế dự phòng có sự hỗ trợ của công nghệ sẽ trở thành những yếu tố làm thay đổi cuộc chơi trong dài hạn.

Đại dịch toàn cầu đã dẫn đến việc các quốc gia và công ty trên toàn thế giới đoàn kết trong các liên minh và chuỗi cung ứng có mức độ tập trung cao tại những khu vực nhất định. Đại dịch COVID-19 tạo ra hiệu ứng gợn sóng (ripple effects) trong nền kinh tế toàn cầu cũng như khẳng định tầm quan trọng của thông tin và tương quan mạng lưới chuỗi cung ứng.

Nghiên cứu này khuyến nghị rằng, việc xây dựng các quy trình công việc chiến lược và hoạt động kinh doanh phù hợp có thể góp phần giải quyết các vấn đề trong việc quản lý chuỗi cung ứng và logistics. Một số công ty công nghệ lớn đang thay đổi thị trường logistics bằng cách cung cấp các giải pháp mua sắm số thông qua sự kết hợp liền mạch và hiệu quả của phần mềm và dịch vụ. Nền tảng mua sắm số chuyên dụng có trụ sở tại Singapore, Moglix, là một trong những công ty như vậy với khả năng giúp các công ty sản xuất và các đối tác chính trong việc số hóa toàn bộ quy trình nghiệp vụ mua sắm. Dù hoạt động kiểm soát khủng hoảng gần như không bao giờ có thể tiến hành tự động hóa hoàn toàn, nhưng các thông tin toàn diện về chuỗi cung ứng với số liệu chính xác theo thời gian thực sẽ trở thành yếu tố chính quyết định thành công trong tương lai.

Những thay đổi trong nền kinh tế toàn cầu và sự nổi lên của các công ty đột phá cho thấy nhu cầu chuyển đổi của các công ty khởi nghiệp nhằm thích ứng và tập trung thúc đẩy đà tăng trưởng mới. Báo cáo cũng khuyến nghị các chính phủ và cơ quan hoạch định chính sách khu vực ASEAN cần xác định mỗi quốc gia nên nắm bắt cơ hội như thế nào để hiện đại hóa những ngành kinh tế thiết yếu. Các DN khu vực ASEAN đang tìm cách thúc đẩy và hỗ trợ quá trình đột phá kỹ thuật số cũng cần hợp tác với các đối tác trong hệ sinh thái để nâng cấp các sản phẩm, dịch vụ.

Nhận định về các hoạt động đổi mới sáng tạo của Việt Nam, ông Naveen Menon cho hay Việt Nam có cộng đồng DN đổi mới sáng tạo có nhiểu tham vọng lớn, được đánh giá cao. Môi trường đầu tư rất hấp dẫn vì thế có thể thu hút các nhà đầu tư trong khu vực ASEAN nói riêng và thế giới nói chung và cộng đồng DN đổi mới sáng tạo và nhiều ngành kinh tế khác.

Có thể bạn quan tâm