Các lỗ hổng bảo mật của Android từ lâu đã rất được quan tâm và chủ yếu chúng đến từ các phần mềm độc hại không được kiểm soát trên nền tảng này.
Theo nghiên cứu mới nhất của G Data – một công ty phần mềm diệt virus, chỉ trong quý I/2017, đã có hơn 750.000 ứng dụng chứa mã độc xuất hiện trên các thiết bị chạy Android. Với tốc độ bùng phát khủng khiếp này, con số đó có thể sẽ lên tới 3,5 triệu trong năm nay, cao hơn 2 lần so với năm 2014. Đây không phải lần đầu tiên tình trạng này được cảnh báo, cụ thể là 2,3 và 3,2 triệu ứng dụng độc hại xuất hiện lần lượt trong 2 năm 2015 và 2016. Kể từ năm 2012, số lượng ứng dụng chứa mã độc đã tăng tới hơn 15 lần.
Hai phiên bản hệ điều hành Android 5.0 Lollipop và 6.0 Marshmallow đang là các mục tiêu bị tấn công nhiều nhất với khoảng 63% lượng mã độc. Điều này cũng rất dễ hiểu khi đây là 2 phiên bản Android đang phổ biến nhất, theo sau là KitKat (20%), Jelly Bean (10,1%), Nougat (4,9%), Gingerbread và Ice Cream Sandwich với cùng tỷ lệ 0,9%.
Những biện pháp chủ động tự bảo vệ mà người dùng có thể làm là lựa chọn những nhà sản xuất tin cậy, thường xuyên cài đặt bản vá lỗi, cập nhật liên tục phiên bản hệ điều hành, tránh cài đặt những ứng dụng không rõ nguồn gốc và phản hồi không tích cực, sử dụng những phần mềm có bản quyền để tránh nguy cơ bị đánh cắp thông tin hay chiếm quyền kiểm soát thiết bị.