Xuất phát từ Samsung, họ tung ra mẫu smartphone Galaxy Note Edge màn hình cong và tạo thành xu hướng. Đầu tiên Note Edge chỉ cong một cạnh nên trông khá kỳ quặc. Rồi dần dần, xu hướng smartphone màn hình cong chuyển sang cong cả hai cạnh và giờ đây lan sang cả dòng Galaxy S.
Sau đó, các nhà sản xuất khác cũng đua nhau chạy theo, từ OnePlus cho tới Huawei Mate 20 Pro và P30 Pro. Thậm chí, Google cũng bo cong nhẹ (ở mức rất dễ chịu) các cạnh của Pixel 2 và Pixel 3 và gần đây Oppo chạy theo màn hình cong… từ trước ra sau. Thoạt nhìn sẽ thấy các smartphone màn hình cong rất long lanh, nhưng khi trải nghiệm thực tế mới thấy đó là một ý tưởng tệ hại và không nên phát triển.
Màn hình cong dễ vỡ
Theo ReviewGeek, dù phải thừa nhận rằng, tất cả smartphone tràn viền hiện nay đều rất mong manh và dễ vỡ khi rơi rớt, nhưng riêng các smartphone màn hình cong thì xác suất nứt vỡ tăng lên nhiều lần, do chúng có xu hướng mở rộng phần màn hình (cong) ra tận viền và ít có cấu trúc che chắn hoặc chịu lực để phát tán khi rơi. Theo iFixit, việc thay thế màn hình cong cũng tốn kém và khó khăn hơn so với màn hình phẳng.
Trong bài thử nghiệm độ bền do SquareTrade thực hiện bằng cách thả điện thoại từ độ cao tương đương túi quần xuống sàn nhà, tất cả các mẫu Galaxy S10, S9 và S8 đều vỡ ngay trong lần thả đầu tiên, dù họ nói rằng S10 bền hơn đời cũ. Bên cạnh đó, các smartphone màn hình cong kết hợp mặt lưng bóng bẩy trơn tuột cũng khiến việc cầm nắm trở nên khó khăn hơn và rất dễ rơi.
Trong trường hợp màn hình cong tràn ra cả 4 viền của Oppo, bạn không thể cầm điện thoại từ hai bên mà không chạm vào màn hình, vì vậy bạn sẽ dễ gặp vấn đề với cảm ứng màn hình khi trượt tay lên cạnh hoặc thậm chí là bỏ nó vào túi quần.
Gặp khó với ốp lưng và miếng dán màn hình
Ngoài ra, ốp lưng cũng là một vấn đề gây đau đầu với các smartphone màn hình cong. Theo mặc định, các ốp lưng sẽ bo kín bốn cạnh của điện thoại để bảo vệ viền và màn hình. Nhưng với một smartphone màn hình cong thì phần viền nằm ở giữa các cạnh bên với tiết diện nhỏ và các ốp lưng khó có cơ hội để “ôm” lấy viền nhằm bảo vệ điện thoại hơn, nếu không muốn tràn lên phần màn hình bo cong ra viền. Điều này khiến các ốp lưng đứng giữa hai lựa chọn, một là chấp nhận việc bảo vệ ở mức lỏng lẻo, hai là nhô lên lấn sang cả phần rìa màn hình cong tràn viền để giúp bám chắc hơn nhưng cũng khiến tổng thể xấu xí hơn.
Nếu bạn muốn tìm một chiếc ốp lưng để bảo vệ điện thoại, có lẽ bạn sẽ hối tiếc với màn hình cong của máy. Giải pháp mà nhiều người đang dùng là dán các miếng dán dẻo (gọi là PPF) phủ lên toàn bộ các mặt của điện thoại, nhưng nó chỉ có tác dụng chống trầy xước chứ không giúp bạn bảo vệ điện thoại khỏi các nguy cơ rơi vỡ.
Với miếng dán cường lực cũng khó khăn không kém, dù hiện nhiều nhà sản xuất phụ kiện tung ra các loại miếng dáng bo cong mà họ gọi là 3D, 4D và thậm chí… 6D để ám chỉ miếng dán cường lực bo theo các mép cong của màn hình. Bởi khi dùng các miếng dán loại này lại dễ bị xung đột với ốp lưng - thứ đang cố bám lấy viền mỏng manh của máy. Khi dùng các loại kính cường lực tràn viền thì việc bỏ máy vào ốp gần như bất khả thi vì dễ bị bung lớp kính cường lực. Giải pháp duy nhất là dán dẻo PPF thì lại không có tác dụng bảo vệ khỏi rơi vỡ và giải pháp còn lại là dùng loại kính cường lực phẳng phủ kín lên một phần màn hình - giải pháp này để lại các khoảng trống ở 2 bên mép cong của màn hình trông mất thẩm mỹ.
Nhìn chung, việc bảo vệ các smartphone màn hình cong mong manh của bạn bằng các phụ kiện trở nên khó khăn hơn và lúc này bạn sẽ nhận ra màn hình cong không còn “long lanh” như quảng cáo.
Các tiện ích cho màn hình cong vẫn chủ yếu làm cảnh
Việc cải tiến phần mềm và phần cứng điện thoại là một quá trình đòi hỏi phải tạo ra sự cân bằng tinh tế. Bạn có thể chấp nhận các smartphone hiện đại với thời lượng pin ít hơn một chút nếu nó mỏng gọn và hỗ trợ sạc nhanh, nhưng với màn hình cong thì sự đánh đổi lợi ích ngược lại không được tốt cho lắm.
Để tăng độ hữu ích cho các smartphone màn hình cong, các nhà sản xuất như Samsung đã nghĩ ra cách bổ sung các ứng dụng và công cụ tiện ích để tận dụng chút không gian nhỏ nhoi vô dụng của màn hình cong. Nhưng với Android, đó có vẻ là một tính năng dưa thừa vì bạn có thể tùy chỉnh chúng bằng màn hình chính kể cả khi chúng là màn hình phẳng.
Một tính năng khác gần đây được “chào hàng” là dùng phần cong của màn hình để mô phỏng đèn LED (dài) để phát thông báo về các cuộc gọi nhỡ, tin nhắn… ngay cả khi màn hình úp xuống. Nhưng thường thì một khi đã úp điện thoại xuống là người dùng đã không muốn chú ý đến điện thoại (và các thông báo của nó) và dù sao nếu muốn hiển thị thông báo người dùng vẫn sẽ thích các đèn LED thật hơn. Chưa kể, giải pháp sáng viền để hiển thị thông báo này sẽ trở nên vô dụng nếu dùng các ốp lưng che kín mất khoảng viền này.
So với nguy cơ rơi vỡ và mức độ tiện dụng, có lẽ bạn sẽ nhận ra rằng việc đánh đổi tiện ích thông báo viền là quá đắt so với trải nghiệm màn hình cong. Ngoài ra, khi xem ở chế độ tràn màn hình thì các nội dung như phim ảnh bị biến dạng một phần hoặc khó xem phụ đề và dễ gặp hiện tượng chói (phản quang) ở các mép cong rất khó chịu.
Đã đến lúc từ bỏ xu hướng màn hình cong
Chúng ta nên hoan nghênh các nhà sản xuất đã nỗ lực thử nghiệm những công nghệ mới mẻ để tăng gia vị cho smartphone. Nhưng với những rủi ro và bất tiện về trải nghiệm, có lẽ đã đến lúc chúng ta nên đề nghị các nhà sản xuất từ bỏ các kế hoạch ra mắt smartphone màn hình cong trong tương lai. Kể cả khi Samsung Galaxy Note đã đưa ra những tiện ích cảm ứng cạnh nhằm tăng tính hữu ích của màn hình cong, nhưng rõ ràng nó không xứng đáng để hy sinh các trải nghiệm thực tế của màn hình phẳng.
Samsung, Oppo và Huawei nên tự hỏi, liệu có phải người dùng mua điện thoại mới của họ vì màn cong hay không? Nếu có thì vẫn sẽ cần một hướng đi mới, nhưng nếu không thì nên xem xét lại nghiêm túc bởi đó là một tính năng mà nhiều người không hề mong muốn, chỉ là họ không biết phải nói ra và phàn nàn thế nào mà thôi.