Cụ thể, thư thông báo này do đại diện pháp lí của Apple tại Việt Nam là công ty Võ Trần (VOTRA), có tiêu đề là: “Thư Thông báo và Khuyến cáo từ Công ty Võ Trần (VOTRA)”. Văn bản từ VOTRA cho biết, đơn vị này là đại diện pháp lý trong việc bảo vệ quyền Sở hữu trí tuệ (SHTT) tại Việt Nam của Apple Inc, trụ sở tại 1 Infinite Loop, Cupretino, California 95014, Hoa Kỳ.
Nội dung bức thư ngỏ gửi đến các cửa hàng như sau: “Hiện tại, cửa hàng của quý Ông/Bà không phải là đơn vị được ủy quyền của Công ty Apple để bán và/hoặc sửa chữa các sản phẩm của Apple nhưng tại đây đang sử dụng các nhãn hiệu “logo Táo khuyết”, “Apple” hoặc “iPhone” trên biển hiệu cửa hàng”.
Thư cho biết: Công ty Apple là chủ sở hữu các nhãn hiệu “iPhone”, “Apple”, logo “Quả táo khuyết” và nhiều nhãn hiệu khác như “App Store”, “Apple Store, “iPod”, “iPad” và “MacBook”, … đang bảo hộ tại Việt Nam cho nhiều sản phẩm về thiết bị ghi, truyền, tái tạo âm thanh hoặc hình ảnh như: iPhone, iPad, iPod… cùng các linh phụ kiện của chúng; bao gồm cả các dịch vụ về kinh doanh, quảng cáo, viễn thông theo nhiều đăng ký nhãn hiệu quốc gia và quốc tế”.
Ngoài ra, với một số cửa hàng, thư này còn nêu rõ: "có thời điểm cửa hàng của Ông/bà còn kinh doanh hàng hóa nhãn hiệu của công ty Apple nhưng không phải là hàng chính hãng Apple là hàng giả mạo nhãn hiệu. Việc này có thể gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng rằng đây là cửa hàng được ủy quyền của Công ty Apple khi họ mua hoặc sửa chữa sản phẩm Apple tại đây. Do đây là các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của công ty Apple (điều 129 - Luật Sở hữu trí tuệ) nên Công ty Apple có quyền tiến hành các biện pháp pháp lý chống lại các hành vi này của Ông/bà”.
Đại diện pháp lý của Apple tại Việt Nam yêu cầu trong vòng 7 ngày kể từ khi nhận được thông báo phải chấm dứt ngay việc sử dụng bất hợp pháp các nhãn hiệu của Apple trên biển hiệu cửa hàng, trên các giấy tờ giao dịch, phương tiện kinh doanh, nếu có. Đồng thời, chấm dứt ngay lập tức việc kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu Apple.
Nhiều chủ cửa hàng kinh doanh di động, máy tính tại TP HCM đã có rất nhiều chia sẻ trên mạng xã hội Facebook xung quanh vấn đề này. Một số cửa hàng đã bức xúc cho biết họ kinh doanh sản phẩm của Apple thì phải dùng hình ảnh sản phẩm, nhãn hiệu để quảng cáo cho người mua biết. Nếu không dùng hình ảnh, nhãn hiệu của Apple thì làm sao có thể bán được sản phẩm, nhiều chủ cửa hàng cho hay.
Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng nên tôn trọng bản quyền và phải xin phép khi sử dụng logo, hình ảnh để tránh việc vi phạm bản quyền .
Gần đây, Apple đã có hàng loạt động thái thay đổi chính sách bảo hành mới dành cho iPhone tại Việt Nam. Các đơn vị bảo hành được ủy quyền chính hãng của Apple đều đã đồng loạt từ chối bảo hành cho các sản phẩm iPhone xách tay nếu không có hóa đơn chứng từ mua hàng. Đây có thể xem là biện pháp mạnh tay với các cửa hàng kinh doanh iPhone xách tay bởi đa phần các sản phẩm xách tay và sản phẩm iPhone đã qua sử dụng đều không thể có được những chứng từ mua hàng do các đơn vị bán lẻ chính hãng của Apple xuất ra. Chưa dừng lại ở đó, Apple còn tiếp tục tiến hành khóa các sản phẩm iPhone được sử dụng trái phép ở Việt Nam. Theo đó nhiều chiếc iPhone không rõ nguồn gốc, mua mã mở khóa ở bên thứ 3,... đã bất ngờ bị khóa lại trong vài ngày trở lại đây.
Từ cuối 2015, Apple đã tăng cường hiện diện tại Việt Nam khi mở văn phòng đặt tại quận 1, TP HCM. Đồng thời sang năm 2016 Apple đã ủy quyền cho công ty VOTRA làm đại diện pháp lí cho mình và công ty này đã bắt đầu có các động thái mạnh tay với việc kinh doanh các sản phẩm Apple xách tay hay việc vi phạm bản quyền thương hiệu.