Nhóm Bảo mật của IBM hôm nay (11/6) công bố dữ liệu mới bao gồm các thách thức và mối đe dọa hàng đầu ảnh hưởng đến bảo mật đám mây. Trong đó, sự dễ dàng kết nối cũng như tốc độ của các công cụ đám mây mới là hai trong những yếu tố làm giảm thiểu khả năng kiểm soát việc ứng dụng đám mây của doanh nghiệp.
Theo báo cáo mới này, các vấn đề giám sát an ninh cơ bản, bao gồm quản trị, lỗ hổng và cấu hình sai, vẫn là các yếu tố rủi ro hàng đầu mà các tổ chức phải giải quyết để bảo đảm các hoạt động ngày càng dựa trên đám mây. Ngoài ra, phân tích về các sự cố bảo mật trong năm qua đã làm sáng tỏ cách thức tội phạm mạng đang nhắm mục tiêu vào môi trường đám mây với những phần mềm độc hại tùy chỉnh, ransomware v.v.
Trong bối cảnh các doanh nghiệp nhanh chóng chuyển đổi sang đám mây để đáp ứng nhu cầu làm việc từ xa của nhân viên, việc hiểu được những thách thức bảo mật do quá trình chuyển đổi này là điều cần thiết để quản lý rủi ro. Theo IBM, cùng với sự đa dạng về khả năng kinh doanh và công nghệ quan trọng, việc áp dụng và quản lý tài nguyên đám mây cũng đang tạo ra sự phức tạp cho các nhóm CNTT và an ninh mạng.
Để có được bức tranh rõ ràng hơn về thực tế bảo mật mới khi các công ty nhanh chóng thích nghi với các môi trường đám mây lai, và đa đám mây, Viện nghiên cứu Giá trị doanh nghiệp của IBM (IBV) và Nhóm nghiên cứu độc lập IBM X-Force về các Dịch vụ thông minh và ứng phó sự cố (IRIS) đã kiểm tra các thách thức ảnh hưởng đến hoạt động bảo mật trong đám mây, cũng như các mối đe dọa hàng đầu nhắm vào môi trường đám mây.
Trong số những phát hiện này, nổi cộm lên vấn đề về quyền sở hữu phức tạp, khi có đến 66% số người được hỏi nói rằng họ dựa vào các nền tảng bảo mật cơ bản của các nhà cung cấp dịch vụ đám mây. Tuy nhiên, nhận thức về quyền sở hữu bảo mật rất khác nhau trên các ứng dụng và nền tảng đám mây cụ thể.
Cùng đó, con đường phổ biến nhất để tội phạm mạng xâm phạm môi trường đám mây là thông qua các ứng dụng dựa trên đám mây, chiếm tới 45% các sự cố được IRIS nghiên cứu. Tội phạm mạng đã lợi dụng các lỗi cấu hình cũng như các lỗ hổng trong các ứng dụng, thường không bị phát hiện do các nhân viên tự ý đưa lên đám mây, bên ngoài các kênh đã được phê duyệt.
Đồng thời, tác nhân hàng đầu của các cuộc tấn công trên đám mây là hành vi trộm cắp dữ liệu, nhưng tin tặc cũng nhắm mục tiêu vào đám mây để mã hóa và ransomware - sử dụng tài nguyên đám mây để khuếch đại hiệu ứng của các cuộc tấn công này.
Cùng với thực trạng nói trên, khảo sát của IBV cũng cho thấy, các tổ chức phụ thuộc rất nhiều vào khả năng bảo mật của các nhà cung cấp dịch vụ đám mây. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, có đến 85% các vi phạm về lỗ hổng dữ liệu liên quan tới các vấn đề cấu hình của chính những người sử dụng (là nhân viên của các tổ chức đó).
Ngoài ra, nhận định về trách nhiệm bảo mật trên đám mây cũng khác nhau giữa các nền tảng và ứng dụng. Ví dụ, đa số những người tham gia khảo sát (lên tới 73%) cho rằng các nhà cung cấp dịch vụ đám mây công cộng là đơn vị chịu trách nhiệm chính cho bảo mật trên nền tảng phần mềm dạng dịch vụ (SaaS), trong khi đó, 42% người được hỏi tin rằng các đơn vị cung cấp dịch vụ trên nền tảng cơ sở hạ tầng dạng dịch vụ (IaaS) phải chịu trách nhiệm về bảo mật. Việc ngày càng nhiều doanh nghiệp sử dụng đa dạng các hình thức dịch vụ đám mây, đặc biệt trong các môi trường đa đám mây và đám mây lai, rất dễ dẫn tới việc không phân định rõ ràng các trách nhiệm bảo mật cũng như làm giảm hiệu năng của các môi trường đám mây.
Nhóm Bảo mật của IBM khuyến nghị các tổ chức tập trung vào các yếu tố sau để cải thiện an ninh mạng cho môi trường đa đám mây lai: • Thiết lập quản trị và văn hóa hợp tác: Áp dụng chiến lược hợp nhất kết hợp các hoạt động bảo mật và đám mây - thông qua các nhà phát triển ứng dụng, các đơn vị điều hành CNTT và Bảo mật. Doanh nghiệp cần xác định rõ ràng các chính sách và trách nhiệm đối với các tài nguyên đám mây hiện có cũng như đối với việc mua các tài nguyên đám mây mới. |