Theo đó, số lượng công ty tuyển dụng trong ngành CNTT đã tăng 69% so với năm 2012, trong bối cảnh lượng công ty phần mềm tăng đến 124% chỉ trong 4 năm.
Theo TechLooper, trang phân tích nghề nghiệp trực thuộc VietnamWorks, các kỹ năng .NET, C/C++, Java, PHP và Web là những chuyên môn có nhu cầu tuyển dụng tăng nhanh nhất, trong đó Web và Java là hai kỹ năng hàng đầu đang được săn đón hiện nay. |
Cụ thể, VietnamWorks cho biết: trong 3 năm qua, số lượng công việc ngành CNTT đã tăng trung bình 47% mỗi năm, nhưng lượng nhân sự ngành này chỉ tăng ở mức trung bình là 8%.
Nếu sự cách biệt về mức độ tăng trưởng giữa cung và cầu tiếp tục trong những năm tới, Việt Nam sẽ ngày càng thiếu hụt nguồn nhân lực để đáp ứng cho ngành. Theo "tiến độ" này, từ nay đến năm 2020, nếu tiếp tục tăng trưởng nhân lực ở mức 8%, Việt Nam sẽ thiếu hụt khoảng 78.000 nhân lực CNTT mỗi năm, và đến năm 2020 sẽ thiếu hơn 500.000 nhân lực CNTT, chiếm trên 78% tổng số nhân lực CNTT thị trường cần.
Tuy nhiên, để đạt được tỷ lệ người tìm việc so với công việc ngành CNTT ở mức 17 ứng viên cho mỗi công việc (tỷ lệ năm 2013), Việt Nam cần khoảng 1,2 triệu nhân lực ngành CNTT vào năm 2020. Nếu giữ theo mức tăng trưởng hiện tại, đến lúc đó Việt Nam sẽ thiếu 1 triệu nhân lực CNTT, một con số khổng lồ.
Ông Paul Espinas - Giám đốc Tiếp thị của VietnamWorks - nhận định: "Đây là thách thức rất lớn nhưng cũng là cơ hội để các tổ chức giáo dục, giới nhân sự và chính các nhân viên CNTT cùng góp sức đưa ra những giải pháp tốt nhất để đem đến nhiều nhân sự chất lượng hơn cho thị trường tuyển dụng”.
VietnamWorks cũng cho biết, số lượng công ty tuyển dụng trong ngành CNTT đã tăng 69% so với năm 2012. Đặc biệt, số lượng công ty phần mềm tăng đến 124% chỉ trong vòng 4 năm. Điều này giải thích lý do vì sao số lượng việc làm ngành CNTT luôn tăng nhanh, nhưng tập trung vào mảng phần mềm là nhiều nhất.
Bên cạnh đặc điểm tăng trưởng nhanh, thị trường CNTT Việt Nam còn nổi tiếng chủ yếu nhờ vào dịch vụ gia công phần mềm - outsourcing. Theo bảng xếp hạng của công ty tư vấn Tholons, TP HCM và Hà Nội nằm trong Top 20 thành phố có dịch vụ outsourcing tốt nhất.
Trước đó, tại Diễn đàn cấp cao CNTT Việt Nam (Vietnam ICT Summit 2015), PGS. TS Trương Gia Bình - Chủ tịch Hiệp hội phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) - cũng đặc biệt đề cập đến vấn đề này. Ông cho rằng, thiếu hụt nguồn nhân lực CNTT không phải là vấn đề mới, nhưng tình trạng này đã lên mức báo động đỏ. "Việt Nam có hàng nghìn doanh nghiệp CNTT, nhưng chỉ riêng FPT đã có nhu cầu tuyển cạn kiệt nguồn cung. Để đáp ứng quy mô phát triển 30.000 người vào năm 2020, FPT Software đã phải sang Philippines, Myanmar… để tuyển nhân lực".