Các công nghệ blockchain và sổ cái phân tán (DLT) được ứng dụng đưa vào hoạt động trong các lĩnh vực từ hồ sơ y tế, định danh sản phẩm đến đăng ký đất đai, bằng cấp học thuật và hợp đồng bảo hiểm.
Blockchain hứa hẹn mang lại sức mạnh, trao quyền kiểm soát dữ liệu cho mọi người trong thời đại mà hơn bao giờ hết sức mạnh đến từ dữ liệu. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi phải có sự tin tưởng vào công nghệ đồng thời tin rằng công nghệ luôn làm những gì phải làm.
Nghịch lý ở đây là blockchain gạt bỏ nhu cầu người trung gian - các công chứng viên, công ty bảo hiểm và nhân viên ngân hàng - bằng cách yêu cầu mọi người đặt niềm tin vào công nghệ. Nhưng liệu chúng ta có thể tin tưởng vào công nghệ khi đã từng xảy ra sự cố vì thiếu độ an toàn.
Vụ lợi dụng lỗ hổng bảo mật bitcoin năm 2010 đã cho phép tạo ra 184 tỷ bitcoin trong một giao dịch, mặc dù vấn đề này đã nhanh chóng được khắc phục.
Gần đây hơn là vào năm 2019, tổng giám đốc điều hành (CEO) của một quỹ quản lý tài sản tiền điện tử đã qua đời cùng với các thông tin truy cập vào các loại tiền điện tử mà ông đang quản lý, trị giá hơn 150 triệu USD. Số tiền đó không thể lấy lại được.
Vị CEO đó đã đánh cắp tiền trước khi ra đi và công ty đã thất bại trong việc thực hiện kiểm tra và cân bằng hợp lý nhằm ngăn chặn tình huống như vậy.
Blockchain là một công nghệ mới và không hề đơn giản. Có thể phải mất nhiều năm để cộng đồng blockchain hội tụ đủ các tiêu chuẩn bảo mật nhằm giảm tần suất vi phạm.
Theo WEF, trước tiên cần phát triển đội ngũ các nhà phát triển blockchain có đầu óc bảo mật. Điều này đòi hỏi chương trình giáo dục sẽ phải bắt đầu với các lớp lập trình ngay từ các trường trung học, cho đến đại học với các khóa học mã hóa an toàn blockchain bắt buộc.
Tiếp đó, cần giáo dục người dùng về các rủi ro bảo mật mà họ đang mắc phải, cách giảm thiểu những rủi ro một cách hiệu quả với chi phí thấp. Để làm được điều đó sẽ cần có các chiến dịch nâng cao nhận thức và hợp tác công - tư khi chuyển sang công nghệ blockchain.