Theo Bloomberg, Didi đang xem xét triển khai dịch vụ chia sẻ xe tại các thị trường châu Âu, có thể bao gồm Anh, Pháp và Đức vào nửa đầu năm nay. Công ty đã thành lập một đội ngũ dành riêng cho thị trường châu Âu và đang thực hiện tuyển dụng.
Didi hiện chuyển hướng sang các khu vực địa lý mới khi đà phát triển của họ bắt đầu chậm lại ở Trung Quốc, nơi hãng có thị phần thống trị sau khi lật đổ Uber vào năm 2016.
Công ty được SoftBank Group Corp hậu thuẫn này hiện hoạt động ở 13 quốc gia bên ngoài Trung Quốc, chủ yếu ở Mỹ Latin. Vào tháng 8.2020, hãng bắt đầu cung cấp dịch vụ gọi xe tại Nga đánh dấu bước đột phá trực tiếp đầu tiên vào châu Âu và Didi cũng đã là nhà đầu tư vào Bolt Technology OU có trụ sở tại Estonia, đối thủ chính của Uber ở lục địa này. Didi cũng sẽ cạnh tranh với các ứng dụng khác như Gett, Ola và BlaBlaCar.
Tại châu Âu, Didi sẽ phải đối mặt với bối cảnh các quy định thay đổi nhanh chóng đối với các công ty công nghệ và nền kinh tế Gig - nền kinh tế trong đó mọi người thường làm việc bán thời gian hoặc tạm thời, còn các công ty có xu hướng thuê những người làm việc độc lập và tự do thay vì nhân viên toàn thời gian. Mới đây, tòa án cao nhất của Vương quốc Anh đã phán quyết Uber phải coi các tài xế của mình là “nhân sự” và trả lương cho kỳ nghỉ và có mức lương tối thiểu khi sử dụng ứng dụng, một phán quyết có thể gây ra hậu quả lớn hơn. Các quốc gia châu Âu cũng đang tiến hành đánh thuế nhằm vào các nền tảng công nghệ và châu lục này cũng áp đặt các quy tắc bảo mật dữ liệu nghiêm ngặt General Data Protection Regulation (GDPR).
Nhà phân tích cấp cao Vey-Sern Ling của Bloomberg Intelligence cho biết, “việc mở rộng mạnh mẽ ra bên ngoài thị trường nội địa nghe có vẻ là một ý tưởng tồi đối với Didi. Nó không có lợi thế cạnh tranh rõ ràng so với các công ty đương nhiệm và có thể phải tuân theo các quy định ở các khu vực pháp lý khác nhau. Những nỗ lực ban đầu để có được người dùng có thể dẫn đến tổn thất hoạt động cao hơn”.
Là một phần trong kế hoạch triển khai, Didi cũng đang xem xét các dịch vụ bổ sung bao gồm giao đồ ăn và các dịch vụ nhỏ lẻ, tùy thuộc vào nhu cầu thị trường địa phương. Các kế hoạch này nhằm thúc đẩy giá trị của công ty, vốn đã là một trong những công ty khởi nghiệp lớn nhất thế giới, trước khi IPO.
Didi cũng đang để mắt đến các thị trường nước ngoài khi các cơ quan quản lý Trung Quốc tăng cường giám sát các công ty công nghệ khổng lồ của nước này. Chính phủ đã công bố các quy định chống độc quyền nhắm vào các công ty internet trong khi Hiệp hội công nghiệp taxi Trung Quốc có trụ sở tại Bắc Kinh vào tháng 12/2020 đã kêu gọi cơ quan quản lý chống độc quyền điều tra việc Didi tiếp quản hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc của Uber.