Cấy ghép não giúp phục hồi thị lực cho người mù
Việc cấy ghép não và sử dụng kính có võng mạc nhân tạo đã giúp khôi phục một số chức năng thị giác ở bệnh nhân bị mù này. Ảnh: Asociación RUVID.
Các nhà khoa học tại Đại học Miguel Hernández (UMH), Tây Ban Nha đã cấy các điện cực vào não của một người phụ nữ mù, giúp bà có thể nhìn được các hình dạng và vật thể đơn giản.
Theo Giáo sư Eduardo Fernández Jove – Trưởng nhóm nghiên cứu, bộ phận cấy ghép chỉ nhỏ khoảng 4mm và sử dụng dòng điện còn thấp hơn, do đó an toàn hơn cho người bệnh. Nghiên cứu cũng cho thấy rằng dòng điện không ảnh hưởng đến chức năng của vỏ não hay các tế bào thần kinh lân cận.
Song song với việc cấy ghép, các nhà nghiên cứu của UMH còn phát triển một cặp kính gắn võng mạc nhân tạo. Cặp kính này có chức năng ghi nhận hình ảnh phía trước, sau đó chuyển thông tin thành tín hiệu điện và gửi đến 100 vi điện cực trong thiết bị cấy ghép để kích thích vỏ não của bệnh nhân. Bằng việc chuyển tín hiệu trực tiếp đến não mà không cần sử dụng mắt, “người được cấy ghép có thể nhận ra một số mô phỏng vật thể phức tạp và nhìn được chính xác các hình dạng và chữ cái” – Jover cho biết.
Dao làm từ gỗ sắc gấp 3 lần dao thép thông thường
Các nhà khoa học đã sử dụng hóa chất, nhiệt độ, áp suất và dầu để khiến gỗ tự nhiên cứng hơn gấp 23 lần, tạo ra những con dao gỗ và đinh gỗ sắc bén. Ảnh: Bo Chen.
Các kỹ sư tại Đại học Maryland đã sử dụng một loại gỗ được cường hóa để tạo ra dao gỗ sắc gấp 3 lần so với dao ăn bằng thép.
Trên thực tế, dao sắc thường được làm từ thép không gỉ chất lượng cao hoặc gốm. Việc sử dụng nguyên liệu có thể tái chế như gỗ thông qua một quy trình sản xuất bền vững có thể giúp con người tiến tới tương lai cacbon thấp hơn.
Các nhà nghiên cứu đã sử dụng phương pháp hai bước để làm cứng gỗ. Đầu tiên, họ đun sôi gỗ trong một dung dịch hóa học ở 100 độ C. Điều này giúp loại bỏ hàm lượng lignin (chất kết dính yếu) trong khi vẫn giữ được độ cứng của gỗ. “Cellulose – thành phần chính trong gỗ có tỷ lệ độ cứng theo mật độ cao hơn phần lớn vật liệu nhân tạo như gốm, kim loại và polymer. Tuy nhiên, cách sử dụng gỗ hiện nay hầu như chưa tận dụng hết tiềm năng của vật liệu” – Teng Li, giảng viên kỹ thuật cơ khí kiêm tác giả nghiên cứu tại Đại học Maryland cho biết. Ở bước thứ hai, nhóm của Li sử dụng nhiệt độ và áp suất để loại bỏ nước và làm cho gỗ đặc hơn. Thành quả thu được là một vật liệu cứng hơn 23 lần so với gỗ tự nhiên và có ít khuyết điểm hơn rất nhiều.
GE đẩy mạnh mảng dịch vụ bảo dưỡng tuabin khí HA tại Singapore
Trung tâm Công nghệ Sản xuất và Bảo dưỡng tiên tiến (AMRT) tại Singapore. Ảnh: GE
GE vừa hoàn tất và bàn giao linh kiện tuabin HA được bảo dưỡng lần đầu tiên tại Trung tâm Công nghệ Sản xuất và Bảo dưỡng tiên tiến (AMRT) mới được thành lập ở Singapore. Cơ sở này được đặt tại Trung tâm Giải pháp bảo dưỡng Singapore (GRSS) ra đời vào năm 2019 dưới sự hỗ trợ của Ủy ban Phát triển Kinh tế Singapore nhằm thúc đẩy năng lực bảo dưỡng các tuabin khí HA của GE.
Đợt bàn giao thiết bị sửa chữa đầu tiên từ trung tâm AMRT đánh dấu cột mốc quan trọng theo thông báo năm 2019 về khoản đầu tư 60 triệu đô la Mỹ của GE trong vòng 10 năm để đưa GRSS lên vị trí dẫn đầu trong phát triển, triển khai và bảo dưỡng công nghệ phát điện. Cam kết này được đưa ra nhằm tăng cường năng lực bảo dưỡng của GE trên toàn cầu, đặc biệt là ở châu Á – nơi GE có thể tự bảo dưỡng đến 90% tuabin khí công suất lớn và có công suất lắp đặt ngày càng tăng.
Với sự đầu tư kể trên, nhân sự của trung tâm tăng từ 250 lên 350 trong vòng hai năm. Trung tâm đã bổ sung thêm nhiều vị trí ở cả hai lĩnh vực bảo dưỡng tuabin HA và tuabin sử dụng động cơ máy bay. Đồng thời, GRSS cũng đặt ra mục tiêu bổ sung thêm nhiều vị trí khác để thực hiện công tác bảo dưỡng có độ phức tạp hơn cho tuabin HA, bao gồm sửa chữa các bộ phận công nghệ cao như ống phun và cánh quạt. Bốn dây chuyền tinh gọn áp dụng cho các linh kiện kênh dẫn khí nóng của tuabin HA (Hot Gas Path – HGP) cũng được bổ sung để phục vụ nhu cầu bảo dưỡng các bộ phận tuabin 9HA trên toàn cầu. Dự kiến đến mùa thu năm 2022, GRSS sẽ đạt tiêu chuẩn để cung cấp dịch vụ sửa chữa các linh kiện kênh dẫn khí nóng của tuabin 7HA trong khu vực châu Á.
Vật liệu mới cho chất bán dẫn
Mô phỏng vật liệu perovskite chalcogenide phát triển thành màng mỏng cho dòng chất bán dẫn mới. Ảnh: Felice Frankel.
Những nhà nghiên cứu của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) đang tiến gần hơn trong việc phát triển một loại vật liệu mới cho chất bán dẫn sử dụng trong thiết bị điện tử công nghệ cao.
Vào những năm 1950, các nhà hóa học người Pháp đã phát triển loại vật liệu tương tự được gọi là perovskite chalcogenide. Nhưng đến tận 10 năm trước, tiềm năng ứng dụng vật liệu này làm chất bán dẫn mới được nhận ra. Tuy nhiên, “các hóa chất cần thiết để tạo ra chalcogenide rất khó ngửi. Chúng bốc mùi và có thể làm thiết bị hoạt động kém hiệu quả” – Rafael Jaramillo, trưởng nhóm nghiên cứu kiêm giáo sư tại MIT cho biết. Nhóm nghiên cứu cho biết phiên bản phim siêu mỏng của họ hoạt động ổn định, không độc hại và có giá thành sản xuất rẻ. Một ngày nào đó, nó có thể hữu ích trong lĩnh vực điện toán, pin mặt trời và chiếu sáng hiệu quả.
Jaramillo và nhóm của ông đã tạo ra vật liệu từ bari, zirconi và lưu huỳnh. Họ xây dựng một khung nguyên tử có kích thước nano, sau đó sử dụng một phương pháp gọi là epitaxy chùm phân tử (MBE) để sắp xếp các phân tử của hợp chất thành những cấu trúc tinh thể đặc biệt có khả năng "phát triển" ra khỏi khung nguyên tử để trở thành một màng mỏng chất lượng cao.
"Bạn có thể biến tấu bằng cách thay đổi thành phần. Vì vậy, đây thực sự là một nhóm nhiều loại vật liệu, chứ không chỉ một" – Jaramillo nói. Hiểu rộng hơn, tiềm năng của vật liệu mới này là vô tận.