Càng thông minh càng... nguy hiểm
Khi ngày càng có nhiều thiết bị kết nối với mạng Internet, không chỉ có máy tính và điện thoại thông minh mới là đối tượng dễ bị tấn công. Đồ chơi tình dục có thể là một trong các đích ngắm hấp dẫn.
Tại Hội chợ công nghệ CeBIT gần đây, hãng phần mềm Trend Micro đã trình diễn cách thức xâm nhập từ xa để khởi động một chiếc máy rung lớn màu hồng chỉ bằng một vài dòng mã hóa. Không ít khách hàng phải cười ngượng khi chứng kiến buổi biểu diễn của Trend Micro.
Món đồ chơi mà Trend Micro dùng trong buổi trình diễn thuộc về hãng Lovense, có khả năng thực hiện các hoạt động thoại từ xa có hình ảnh (videoconferencing). Đương nhiên, Lovense cũng nhanh chóng có phản ứng. Thế nhưng giải thích là một chuyện, còn khiến người dùng an tâm hay không lại là một câu chuyện khác.
Viễn cảnh “món đồ” của mình bị người khác bí mật chiếm đoạt và điều khiển đương nhiên có thể tạo ra một hoàn cảnh vừa trớ trêu vừa đáng sợ. Câu chuyện sẽ không chỉ đơn giản như một chiếc máy rung. “Nếu tôi truy cập được vào công nghệ nền, tôi hoàn toàn có thể tống tiền nhà sản xuất” - Raimund Genes, Giám đốc công nghệ của Trend Micro tuyên bố.
Joe Bursell - đại diện công ty kiểm tra an ninh Pen Test, đơn vị đã tiến hành nghiên cứu thị trường đồ chơi tình dục thông minh trong năm 2015 - nhận định: “Bước phát triển lớn tiếp theo của đồ chơi tình dục sẽ là các thiết bị cho phép quan hệ tình dục từ xa (cyberdildonics), giúp con người chia sẻ cảm giác như thật thông qua môi trường Internet”. Nếu kẻ xấu can thiệp được vào quá trình trao đổi thông tin của thiết bị, họ hoàn toàn có thể quay phim và dễ dàng truy nhập vào các đoạn phim được quay.
Mối đe dọa cho cả nền kinh tế thế giới
Theo Báo cáo an ninh công nghệ thông tin mới nhất của Chính phủ Đức, tình trạng tấn công các trang web sản xuất công nghiệp đang tăng lên. Chẳng hạn, trong năm 2014, một nhà máy thép của Đức đã chịu những “thiệt hại quy mô lớn” do một cuộc tấn công vào hệ thống mạng của nhà máy.
Mấy tuần gần đây, một số bệnh viện của Đức cũng đã hứng chịu các cuộc tấn công từ Ransomware - một phần mềm virus có khả năng mã hóa dữ liệu của các máy móc bị xâm nhiễm và yêu cầu người dùng trả tiền để được nhận một mã điện tử giúp mở khóa thiết bị của mình.
Năm 2015, Chính phủ Đức cũng bị “dằn mặt” khi hacker tấn công hệ thống mạng của hạ viện. Cuộc tấn công khiến hệ thống mạng này phải đóng cửa trong vài ngày và làm mất một lượng dữ liệu lớn.
Để đối phó với mối nguy ngày càng tăng, tháng 7/2015, Đức thông qua đạo luật về an ninh công nghệ thông tin. Luật này yêu cầu 2.000 nhà cung cấp cơ sở vật chất thiết yếu phải thực hiện các quy chuẩn tối thiểu về an ninh và báo cáo các vi phạm nghiêm trọng. Nếu không thực hiện, nhà cung cấp dịch vụ sẽ bị trừng phạt.
Theo tập đoàn vận động chính sách công nghệ thông tin Bitkom, trong 2 năm trở lại đây đã có tới 51% số công ty Đức trở thành nạn nhân của gián điệp số, nạn ăn cắp dữ liệu hoặc phá hoại ngầm. Nguy cơ được xem là cấp thiết hơn đối với các nhà sản xuất cỡ vừa và nhỏ, còn gọi là nhóm Mittelstand. Hai phần ba trong số các hãng này đã có báo cáo về những cuộc tấn công.
Theo Báo cáo an ninh mạng của hãng Deutsche Telekom, khi các công ty chuyển sang kết nối máy móc của mình với mạng Internet để thực hiện hoạt động thu thập và trao đổi dữ liệu và điều khiển máy móc của mình từ xa, 84% số nhà quản lý nhận định rằng rủi ro sẽ tăng cao.
Bắt nguồn từ ký ức về hoạt động gián điệp thông tin của chính phủ do lực lượng cảnh sát mật Stasi dưới thời Đông Đức và lực lượng Gestapo dưới thời Đức quốc xã, người Đức luôn tỏ ra thận trọng trong việc bảo vệ dữ liệu. Tuy nhiên theo Dirl Arendt - Giám đốc quan hệ công chúng tại hãng an ninh mạng Israel Check Point Software Technologies, cần quan tâm hơn nữa đến vấn đề an ninh dữ liệu.