Cụ thể, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ Người tiêu dùng cho biết: Theo hồ sơ thông báo TTKT, Công ty Tiki Global Pte. Ltd dự kiến sẽ nhận chuyển nhượng 90,5% cổ phần của Công ty Cổ phần Tiki sau khi công ty này phát hành thêm cổ phiếu theo hình thức chào bán riêng lẻ.
Sau khi hoàn thành giao dịch này, Công ty Tiki Global Pte. Ltd sẽ giành được quyền kiểm soát, chi phối Công ty Cổ phần Tiki theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 Nghị định 35/2020/NĐ-CP ngày 24/3/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Cạnh tranh.
Do đó, việc tập trung kinh tế nói trên được xác định là hình thức mua lại doanh nghiệp theo quy định tại khoản 4 Điều 29 Luật Cạnh tranh.
Công ty Tiki Global Pte. Ltd được thành lập tháng 5/2021 theo pháp luật Singapore và chưa có bất cứ hoạt động kinh doanh nào trên thị trường Việt Nam.
Công ty Cổ phần Tiki chủ yếu hoạt động trên lĩnh vực bán lẻ hàng hóa trực tuyến qua internet và cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử để các thương nhân khác trực tiếp bán hàng cho người tiêu dùng tại Việt Nam.
Tính đến hết tháng 3/2021, ông Trần Ngọc Thái Sơn (người sáng lập kiêm CEO) sở hữu 20,1% cổ phần Tiki, Công ty Cổ phần VNG sở hữu 20,2% cổ phần.
Các cổ đông nước ngoài nắm giữ đến hơn 49% cổ phần Tiki, trong đó JD.Com sở hữu 18,2%, Ubiquitous Traders sở hữu 9,9%, Success Elite Holdings sở hữu 4,5%, Finup Asia Investment I sở hữu 3,7%...
Về tình hình kinh doanh, trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt giữa các sàn thương mại điện tử, với các đối thủ như Shopee, Lazada, Sendo... Tiki chưa có lãi và vẫn đang phải "đốt tiền" để tranh giành thị phần.
Giai đoạn 2016-2019, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần lần lượt đạt 62,3 tỷ đồng, 92 tỷ đồng, 240 tỷ đồng và 119 tỷ đồng. Trong khi đó, Tiki báo lỗ sau thuế hàng năm tăng nhanh, với 178 tỷ đồng, 282 tỷ đồng, 756 tỷ đồng và 324 tỷ đồng.
Tính đến cuối năm 2019, Tiki đã lỗ lũy kế gần 1.800 tỷ đồng. Doanh nghiệp âm vốn chủ sở hữu hơn 354 tỷ đồng.
Để có nguồn lực hoạt động khi vốn chủ sở hữu bắt đầu âm từ năm 2017, Tiki đã đẩy mạnh chiếm dụng vốn bên ngoài, với nợ phải trả phình to nhanh chóng từ 336 tỷ đồng (2017) lên 991 tỷ đồng (2019), tức gần 3 lần.