Việt Nam là một trong những quốc gia ứng dụng công nghệ đám mây nhanh nhất khu vực ASEAN
Theo bà Agnes Heftberger - Tổng giám đốc kiêm Giám đốc khối công nghệ của IBM tại khu vực ASEANZK (gồm các nước ASEAN cùng New Zealand, Hàn Quốc), đám mây lai (hybrid cloud) và trí tuệ nhân tạo (AI) là những công nghệ đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi số. Việt Nam đang có lợi thế khi phát triển 2 lĩnh vực này rất nhanh chóng.
Với công nghệ AI, Việt Nam đứng thứ 62/160 trong bảng xếp hạng quốc gia về chỉ số sẵn sàng AI của chính phủ (Government AI Readiness Index), do Oxford Insights khảo sát năm 2021. Đây là mức trên trung bình, và cũng được đánh giá cao so với khu vực.
Đồng thời, "Việt Nam cũng là quốc gia có tốc độ ứng dụng công nghệ điện toán đám mây nhanh nhất khu vực ASEAN", bà Agnes Heftberger nhận định.
Bên cạnh đó, việc đầu tư vào công nghệ, chuyển đổi số đã không còn là một rào cản, gánh nặng đối với nhiều doanh nghiệp khi quan niệm của người đứng đầu thay đổi. Theo đại diện của IBM, các doanh nghiệp Việt Nam đã có sự thay đổi lớn về nhận thức, khi không coi chuyển đổi số là một khoản "chi phí" mà là yếu tố tạo ra lợi thế cạnh tranh, sự khác biệt cho doanh nghiệp so với các đối thủ.
"Sự thay đổi quan điểm của lãnh đạo các doanh nghiệp đã khiến cho việc ứng dụng AI, chuyển đổi số đang được tăng tốc nhanh ở Việt Nam cũng như trên thế giới", bà Agnes Heftberger nhận định.
Muốn chuyển đổi số thành công, cần làm ngay
Số liệu thống kê cho thấy, hơn một nửa tổng GDP được tạo ra trong tương lai sẽ bắt nguồn từ chuyển đổi số. Điều này là do vai trò quan trọng mà công nghệ có thể và cần phải nắm giữ trong tương lai, nếu chúng ta muốn giải quyết một số thách thức lâu dài nhất mà các doanh nghiệp, các chính phủ và xã hội hiện nay đang phải đối mặt.
Để chuyển đổi số thành công, đại diện IBM cho rằng có 2 yếu tố luôn thiếu và cần liên tục cải thiện.
Thứ nhất, đó là nguồn nhân lực có trình độ, tay nghề. Việc đào tạo một thế hệ nhân lực mới, có đủ trình độ để tham gia quá trình chuyển đổi số là rất quan trọng. Đó là lý do các doanh nghiệp lớn như IBM đầu tư, hợp tác với nhiều đơn vị đào tạo tại Việt Nam để cung cấp những khung chương trình, tài liệu cập nhật công nghệ mới nhất.
Yếu tố thứ hai là thời gian. Bà Agnes Heftberger nhấn mạnh các doanh nghiệp không nên chờ đợi nữa, cần đẩy mạnh ứng dụng AI, đám mây lai để tăng năng lực cạnh tranh.
Tại buổi gặp mặt, đại diện IBM cũng chia sẻ một số ví dụ về ứng dụng công nghệ trong chuyển đổi số của các doanh nghiệp trong lĩnh vực ngân hàng, viễn thông.
Cụ thể, theo bà Phạm Thị Thu Diệp, Tổng giám đốc kiêm Giám đốc khối công nghệ của IBM Việt Nam, ngân hàng Sacombank lựa chọn IBM LinuxONE để triển khai giải pháp hạ tầng hợp nhất cơ sở dữ liệu. Chỉ sau 6 tháng chuyển đổi hệ thống, ngân hàng đã ghi nhận những cải thiện đáng kể về thời gian xử lý cuối ngày của hệ thống corebanking, hiệu năng hoạt động của hệ thống, chi phí bản quyền phần mềm, thời gian xử lý giao dịch và giảm thiểu số lượng sự cố. Theo tính toán, tổng chi phí đầu tư trong 6 năm khi triển khai IBM LinuxONE giúp ngân hàng tiết kiệm hơn 500.000 USD so với các phương án triển khai khác.
Một ví dụ khác là Tập đoàn VNPT triển khai giải pháp IBM Data Lake giúp sử dụng dữ liệu giữa các bộ phận, phòng ban khác nhau một cách an toàn, tự động và đảm bảo tính tuân thủ. Với một giải pháp tổng thể cho hạ tầng lưu trữ, quản lý và khai thác dữ liệu, thực thi tập trung các chính sách vận hành, chia sẻ và sử dụng dữ liệu viễn thông, CNTT sẽ giúp VNPT có thể cung cấp dữ liệu có chất lượng một cách hiệu quả và thông minh.
“Chuyển đổi số là hành trình không có điểm cuối, doanh nghiệp liên tục đầu tư ứng dụng trong bối cảnh công nghệ cũng liên tục thay đổi”
Bà Phạm Thị Thu Diệp, Tổng giám đốc kiêm Giám đốc khối công nghệ , IBM Việt Nam