Phải đăng cải chính bên cạnh tin giả
Ngày 1/4, dự luật Bảo vệ khỏi sự thao túng và sự lừa dối trực tuyến đã được trình quốc hội Singapore để thảo luận. Theo dự luật, các bộ trưởng Singapore liên quan có quyền xác định thông tin nào trong lĩnh vực mà họ quản lý là sai sự thật trên các công ty mạng xã hội như Facebook, Twitter, YouTube...
Các cơ quan quản lý Singapore có quyền yêu cầu các công ty này đăng những “cải chính” hoặc “cảnh báo” bên cạnh các tin giả (tuyên bố, bài viết sai sự thật) đi ngược lại lợi ích cộng đồng trên các nền tảng của họ.
Các cơ quan quản lý cũng có thể yêu cầu gỡ bỏ tin giả trong các trường hợp khẩn cấp. Các cơ quan quản lý có quyền yêu cầu đóng các tài khoản giả, phần mềm tự động lan truyền tin giả. Nếu không tuân thủ các yêu cầu đó, các công ty mạng xã hội có thể bị phạt lên đến 1 triệu đô la Singapore.
Các cá nhân cũng có thể bị yêu cầu đăng cải chính bên cạnh tin giả mà họ đăng trên các nền tảng mạng xã hội. Nếu không tuân thủ yêu cầu này, họ có thể bị phạt lên đến 20.000 đô la hoặc tối đa 12 tháng tù hoặc cả hai.
Trong vòng sáu tháng, nếu một nền tảng mạng xã hội có ba tin giả đi ngược lại với lợi ích cộng đồng đăng ở Singapore và bị các cơ quan quản lý yêu cầu gỡ bỏ hoặc đăng nội dung cải chính bên cạnh, nền tảng đó sẽ bị ngăn chặn lợi nhuận thu được từ việc đăng các tin giả đó. Chẳng hạn, nếu Google chạy các quảng cáo trên một nền tảng xã hội đăng tin giả, Google sẽ bị buộc chấm dứt các quảng cáo này để cắt doanh thu quảng cáo tại Singapore của nền tảng đó.
Theo dự luật, những cá nhân đăng tin giả trên các nền tảng xã hội “với dụng ý xấu”, gây bất ổn xã hội sẽ đối mặt với các biện pháp xử phạt hình sự bao gồm phạt tiền lên đến 50.000 đô la Singapore và phạt tù lên đến mức 5 năm hoặc cả hai. Nếu đối tượng phạm tội là tổ chức, mức phạt tiền có thể lên đến 500.000 đô la Singapore.
Nếu cá nhân sử dụng các tài khoản giả hoặc phần mềm tự động để giúp lan truyền tin giả nhanh hơn trên các nền tảng xã hội, cá nhân đó sẽ bị phạt lên đến 100.000 đô la Singapore hoặc tối đa 10 năm tù hoặc cả hai. Nếu đối tượng phạm tội là tổ chức, mức phạt tiền có thể lên đến 1 triệu đô la Singapore.
Tuy nhiên những người chia sẻ (share) tin giả sẽ không bị truy tố nếu không có dụng ý xấu nhưng phải đăng cải chính bên cạnh tin giả hoặc gỡ bỏ tin giả đặc biệt là nếu họ là người có tầm ảnh hưởng lớn.
Simon Milner, Phó Chủ tịch phụ trách chính sách công khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Facebook cho biết Facebook cam kết chống tin giả và đang thảo luận với chính phủ Singpore về dự luật Bảo vệ khỏi sự thao túng và sự lừa dối.
Tuy nhiên, ông bày tỏ lo ngại rằng “một số khía cạnh của dự luật cấp các thẩm quyền quá rộng cho các cơ quan hành pháp Singapore để buộc chúng tôi phải gỡ bỏ nội dung mà họ cho là giả và chủ động gửi thông báo của chính phủ Singapore cho người dùng”.
Jeff Paine, Giám đốc Liên minh Internet châu Á, lo ngại dự luật “trao cho chính phủ Singapore quyền tự định đoạt tuyệt đối những nội dung nào được xem là đúng hoặc sai”.
Người phát ngôn của Twitter nói rằng vẫn đang đánh giá dự luật. Trong khi đó, người phát ngôn của Google kêu gọi chính phủ Singapore cho phép công chúng đóng góp ý kiến tham vấn về dự luật.
Không cấm các ý kiến chỉ trích chính phủ
Phát biểu với báo chí hôm 4/1, Bộ trưởng Bộ Luật pháp kiêm Bộ trưởng Nội vụ Singapore, K. Shanmugam, nói: “Chúng tôi đã thảo luận với vài công ty công nghệ và họ bày tỏ quan điểm muốn gỡ bỏ các tin giả”. Tuy nhiên, dự luật vẫn cho phép giữ lại tin giả trong một số trường hợp nhưng phải đăng kèm các cải chính bên cạnh theo yêu cầu của các cơ quan quản lý để “mọi người có thể đọc bất kỳ thông tin nào họ muốn và tự đưa ra đánh giá của họ”, ông K. Shanmugam cho biết.
Ông giải thích rằng luật chỉ chống các tuyên bố sai sự thật về các sự kiện nên không gây tổn hại đến quyền tự do ngôn luận. Theo ông: “Dự luật không xử lý các ý kiến, nó cũng không xử lý các quan điểm”.
Bộ Luật pháp Singapore cũng khẳng định dự luật không nhắm đến các ý kiến bình luận, chỉ trích, mỉa mai, châm biếm mà chỉ xử lý các tuyên bố sai sự thật về các sự kiện, chẳng hạn khẳng định rằng chính phủ Singapore tuyên chiến với các nước láng giềng nhưng trên thực tế Singapore không có động thái như vậy hoặc khẳng định rằng Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) phá sản nhưng thực tế không đúng như vậy.
Các tuyên bố kiểu nêu ý kiến bình luận như “Chính phủ Singapore phải chịu trách nhiệm về tình trạng bất bình đẳng đang gia tăng”, “các chính sách của Singapore thường phục vụ quyền lợi của giới thượng lưu” không nằm trong phạm vi điều chỉnh của dự luật. Những người chỉ trích chính phủ cũng không bị xử lý theo luật mới nếu họ không đưa ra các tuyên bố sai sự thật.