Theo đuổi đề án phát triển metaverse, Dubai kỳ vọng sẽ tạo ra thêm 40.000 công việc mới từ nay đến năm 2030.
Dubai vừa ban hành chỉ thị thành lập một lực lượng đặc biệt để theo dõi và khai thác các tiềm năng của metaverse. Với những nỗ lực mới này, Dubai kỳ vọng sẽ vươn lên vị trí dẫn đầu công nghệ toàn cầu, tập trung chủ yếu vào trí tuệ nhân tạo (AI) và Web3.
"Đề án phát triển metaverse" của Dubai có kỳ hạn thực hiện 5 năm, với mục tiêu đề ra là lĩnh vực metaverse đóng góp GDP hằng năm của Dubai lên 1% và tăng trưởng kinh tế metaverse lên 4 tỉ USD vào năm 2030. Về nhân lực, Dubai kỳ vọng sẽ tạo ra được thêm 40.000 công việc tính đến năm 2030.
Ở tầm vĩ mô, Dubai đặt mục tiêu trở thành một trong 10 nền kinh tế tổng hợp lớn nhất thế giới. Để có thể đạt được tham vọng này, đề án gồm có 5 điều chính, bao gồm: thúc đẩy đổi mới tổng thể và đóng góp kinh tế; trau dồi tài năng nhân lực thông qua giáo dục và đào tạo; khai thác triệt để các ứng dụng metaverse vào chính quyền Dubai; áp dụng, mở rộng quy mô và ủng hộ các nền tảng an toàn trên toàn cầu; cải thiện cơ sở hạ tầng và hoàn thiện pháp lý.
Cũng theo thông cáo báo chí, VR và AR đã tạo 6.700 việc làm và đóng góp 500 triệu USD vào nền kinh tế chung của UAE. Đối với quốc tế, giá trị của nguồn vốn đầu tư mạo hiểm và tài trợ cho metaverse của Dubai đã cán mốc 13 tỉ USD vào năm 2021, trong khi doanh số bán bất động sản ảo trong metaverse đã vượt 500 triệu USD.
Từ tháng 3, Cơ quan Quản lý tài sản ảo Dubai được thành lập và đã xây dựng một khuôn khổ pháp lý cởi mở đối với tiền điện tử mã hóa. Cùng lúc, Singapore lại bắt đầu siết chặt quản lý với những quy định gắt gao đối với lĩnh vực blockchain nói chung và tiền mã hóa nói riêng. Hệ quả là đã có một làn sóng "di cư" đến Dubai của hàng nghìn công ty blockchain, metaverse đã diễn ra rất mạnh mẽ, có thể kể đến những cái tên "đầu bảng" như Binance, Huobi hay OKX.