Các chuyên gia của EY cho rằng chi phí đầu tư và công nghệ không còn đắt đỏ như trước.
Câu chuyện về hướng đi nào cho các ngân hàng nội địa trước làn sóng hội nhập của TPP (Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương), AEC (Cộng đồng kinh tế chung Asean) được các lãnh đạo Ernst & Young (EY) nêu lên trong một cuộc họp báo nhân chuyến làm việc tại Việt Nam mới đây.
Ông Garay Hwa, Tổng giám đốc điều hành Dịch vụ Tài chính Ngân hàng EY châu Á - Thái Bình Dương cho rằng thị trường Việt Nam có nhiều nét thú vị, đặc thù dù hầu hết các nhà băng đều gặp những khó khăn về vốn. Theo ông, để cạnh tranh được với những "ông lớn" trong khu vực khi hội nhập AEC hay TPP, các nhà băng Việt có những thế mạnh nhất định về công nghệ để tiếp cận với các nước trong khu vực.
Vị chuyên gia này đánh giá, đầu tư vào công nghệ là nhu cầu sống còn của các ngân hàng trong thời gian tới, đặc biệt khi ông đang nhìn thấy ngay cả ở Việt Nam, nhiều công ty dù không có truyền thống ngân hàng nhưng cũng đang cung cấp các dịch vụ cạnh tranh trực tiếp.
Nhưng với các nhà băng Việt, trong bối cảnh còn bộn bề thách thức giải quyết nợ xấu, quy mô vốn còn khiêm tốn, chi phí để trang trải cho cuộc đua số hóa cũng là một thách thức không nhỏ. Trả lời băn khoăn này, ông Gary Hwa tin vẫn có nhiều cách để giải quyết bài toán này, một trong số đó là con đường mua bán sáp nhập (M&A).
Tuy nhiên, ông Gary Hwa cũng lưu ý, M&A để tăng vốn chỉ là một mặt của vấn đề và theo kinh nghiệm của ông, có nhiều ngân hàng nhỏ nhưng vẫn số hóa thành công nhờ chính những giải pháp giá rẻ của các doanh nghiệp khởi nghiệp (start-up). "Nhờ làn sóng côn nghệ tài chính - fintech - những năm gần đây, chúng ta đã thấy đầu tư vào công nghệ không còn quá đắt đỏ như trước. Nếu trước các nhà băng phải chi rất nhiều tiền để có những giải pháp công nghệ cho mình thì nay rất nhiều công ty start-up về công nghệ dù quy mô không lớn bằng Oracle vẫn có thể mang đến những giải pháp fintech tốt", vị lãnh đạo đang đứng đầu mảng dịch vụ tài chính ngân hàng EY toàn cầu nói.
Đồng tình với quan điểm này, bà Nguyễn Thùy Dương - Phó tổng giám đốc Phụ trách Dịch vụ Tài chính Ngân hàng EY Việt Nam - cũng nói thêm, số hóa ngân hàng có hai cấp độ, một là giúp quy trình nhà băng tự động hóa và hai là áp dụng công nghệ số trong sản phẩm. Thực tế hiện cũng nhiều công ty khởi nghiệp đã làm những ứng dụng này để bán sản phẩm cho các ngân hàng rất tốt, giúp họ tiếp cận được với nhiều khách hàng hơn.
Bên cạnh đầu tư vào công nghệ, các chuyên gia EY cũng lưu ý nhà băng Việt nên tìm cách tiến nhanh hơn với các chuẩn mực chung về quản trị rủi ro khi hội nhập. Bà Nguyễn Thùy Dương nói: "Khả năng các ngân hàng Việt đáp ứng được Basel II ngay trong năm nay có thể không kịp nhưng Việt Nam cũng đang kiện toàn khung pháp lý, có những quy định cụ thể như Thông tư 36 sửa đổi mang hơi hướng của Basel II nhiều hơn.
Nhưng dù sao đi chăng nữa, theo tôi số lượng ngân hàng không quan trọng bằng chất lượng, cần chấn chỉnh lại trong nội bộ bản thân các nhà băng để đảm bảo chất lượng của những ngân hàng top đầu".
Một trong những khuyến nghị của EY khi Việt Nam tham gia vào AEC, TPP còn là sự sẵn sàng của cơ quan quản lý trong kiện toàn chính sách. "Mỗi tuần tôi tiếp một quỹ đầu tư muốn vào Việt Nam, để thấy sự rất tiềm năng của chúng ta. Nhưng khi bắt tay vào nghiên cứu, họ lại có nhiều sự e ngại, một trong số đó đến từ hệ thống pháp luật. Họ lo ngại làm thế nào để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư", bà Dương cho biết.
Tuy nhiên, bà Dương cũng nhìn nhận, như vậy không có nghĩa Chính phủ phải làm mọi việc mà bản thân các ngân hàng cũng phải tự tìm ra hướng đi cho mình để có chiến lược phù hợp. "Sự hỗ trợ của Nhà nước là một mặt, bản thân các ngân hàng không ý thức được những thách thức từ cuộc hội nhập thì chính họ sẽ mất cảnh giác. Khi đã mất cảnh giác, khả năng trượt chân ngã là điều có thể xảy ra", bà Dương nói.