Trong đó, Hệ thống Module Quản lý kỹ thuật hệ thống thông tin của EVN – đạt giải tại lĩnh vực Quản trị doanh nghiệp và Hệ thống thông tin Quản lý, thu thập và khai thác dữ liệu đo đếm ranh giới đầu nguồn của Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam (MDMS EVN - Meter Data Management System) – đạt giải tại lĩnh vực: Tài nguyên, năng lượng.
Lễ Vinh danh và Trao Giải thưởng Sao Khuê 2024 vừa diễn ra sáng 13/4 tại Hà Nội do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam - VINASA tổ chức, dưới sự bảo trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Chương trình bình chọn Giải thưởng Sao Khuê năm thứ 21 được chính thức phát động vào ngày 09/01/2024. Sau gần 3 tháng phát động nhận hồ sơ, Giải thưởng Sao Khuê 2024 tiếp tục ghi nhận “kỷ lục mới” về số lượng đề cử đăng ký tham gia lớn nhất từ trước đến nay, với 340 hồ sơ đề cử.
Giải thưởng Sao Khuê năm 2024 với 57 lĩnh vực chia thành 08 nhóm gồm: Chính phủ, Chính quyền, Khu vực công; Cộng đồng & Người dân; Quản trị Doanh nghiệp; Kinh tế - Công nghiệp; Thị trường - Tiêu dùng; Hạ tầng - Công nghệ số; Đổi mới sáng tạo và Dịch vụ số.
Giải thưởng Sao Khuê năm 2024 vinh danh 169 đề cử đến từ 117 doanh nghiệp. Trong số đó, có 3 đề cử xuất sắc về chuyển đổi số chính phủ, chính quyền; 13 đề cử xuất sắc giúp cải thiện, nâng cao văn hóa, chất lượng cuộc sống của cộng đồng; 30 đề cử thúc đẩy thị trường, tiêu dùng; 28 giải pháp chuyển đổi số doanh nghiệp, tổ chức; 17 đề cử hỗ trợ các ngành kinh tế, doanh nghiệp lớn; 22 nền tảng, hạ tầng công nghệ xuất sắc; 23 dịch vụ số xuất sắc và 33 sản phẩm, dự án đổi mới sáng tạo tiêu biểu. Đặc biệt, có 11 đề cử đạt “Sao Khuê 5 sao” và 10 sản phẩm, giải pháp công nghệ xuất sắc đạt “Top 10 Sao Khuê 2024”.
Giải thưởng được đánh giá là sự khẳng định cho sự trưởng thành của thị trường và ngành CNTT Việt Nam, gắn với nhiệm vụ trọng tâm là phát triển kinh tế xã hội. Giải thưởng giới thiệu, khuyến nghị sử dụng, kết nối hợp tác, làm bệ phóng hiệu quả cho các sản phẩm, giải pháp, dịch vụ, ứng dụng phần mềm, CNTT xuất sắc của người Việt, thúc đẩy nhanh chuyển đổi số quốc gia, kinh tế số và phát triển bền vững.
Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch VINASA phát biểu: “Toàn thế giới đang chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Chính phủ Việt Nam đã xác định chuyển đổi số, tăng trưởng xanh là một trong hai yếu tố cốt lõi của quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng". Ông kỳ vọng: “Giải Sao Khuê những năm tới, sẽ được thấy những nền tảng, dịch vụ, giải pháp xuất sắc về Bán dẫn, Chuyển đổi Số - Xanh, góp phần tạo ra kỳ tích tăng trưởng mới cho Việt Nam".
MDMS EVN là phần mềm ứng dụng nhằm xây dựng hệ thống ứng dụng trong môi trường số phục vụ hoạt động Thu thập dữ liệu; Lưu trữ và Quản lý dữ liệu; Xử lý và Phân tích dữ liệu; Khai thác dữ liệu; Tích hợp dữ liệu đối với các dữ liệu Giao nhận điện năng ranh giới đầu nguồn của EVN, đáp ứng các yêu cầu: Thu thập dữ liệu tại các điểm đo Công tơ; Lưu trữ và Quản lý lượng dữ liệu lớn; Xử lý và Phân tích dữ liệu; Khai thác dữ liệu phục vụ các nghiệp vụ quản lý sản lượng điện năng.
Đồng thời, MDMS EVN có khả năng tích hợp các hệ thống ngoài EVN (lập/phát hành hóa đơn điện tử cho trong và ngoài ngành Điện nhanh chóng, kịp thời, tích hợp dữ liệu hóa đơn điện tử lên cổng thông tin của Tổng cục thuế theo thời gian thực).
Đối với phần mềm "Hệ thống Module Quản lý kỹ thuật hệ thống thông tin của EVN" được xây dựng phục vụ công tác quản lý kỹ thuật viễn thông và hạ tầng CNTT để triển khai áp dụng chung tại tất cả các đơn vị thành viên trong Tập đoàn, qua đó giúp nâng cao chất lượng trong công tác vận hành hệ thống thông tin phục vụ điều hành sản xuất kinh doanh điện của EVN, đồng thời phục vụ báo cáo các cấp lãnh đạo kịp thời, nhanh chóng.
Tính đến nay, EVNICT được trao 17 giải thưởng Sao Khuê cho 16 sản phẩm. Đó là: "Hệ thống Module Quản lý kỹ thuật hệ thống thông tin của EVN" và "Hệ thống thông tin Quản lý, thu thập và khai thác dữ liệu đo đếm ranh giới đầu nguồn của EVN (MDMS EVN) (2024); “Hệ thống quản lý hồ sơ, thanh toán điện tử, tích hợp ngân hàng cho các giao dịch nội bộ của EVN” và “Hệ thống tích hợp cơ sở dữ liệu dân cư, cổng Dịch vụ công Quốc gia và kết nối nền tảng số của các Tỉnh/Thành phố (EVNConnect) (đạt 02 giải)” (2023); Ứng dụng phục vụ người lao động trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam (SmartEVN) (2022); Hệ thống thông tin tích hợp văn phòng điện tử và tiện ích hành chính (2021); Giải pháp phần mềm cung cấp dịch vụ Điện theo phương thức giao diện điện tử EVN (2020); Phần mềm Thu thập dữ liệu đo đếm – EVNHES (2019); Hệ thống phần mềm quản lý đầu tư xây dựng – IMIS (2018); Hệ thống phần mềm Quản lý kỹ thuật nhà máy điện (2015); Hệ thống quản lý hóa đơn điện tử và Hệ thống thông tin quản lý kỹ thuật lưới điện (PMIS) (2014); Phần mềm hệ thống thông tin quản lý khách hàng CMIS phiên bản 2.0 (2011); Phần mềm thị trường Điện (2008); Phần mềm tính cước Viễn thông công cộng (2007); Phần mềm hệ thống thông tin quản lý khách hàng (CMIS phiên bản 1.0) năm 2006.