Theo tờ Economic Times của Ấn Độ, phát biểu trong phiên chất vấn tại Quốc hội Bangladesh, Bộ trưởng viễn thông Tarana Halim nói không chỉ Facebook mà cả hai người khổng lồ Internet là Google và Microsoft đã đồng ý đáp ứng yêu cầu của chính phủ trong vòng hai ngày sau các cuộc thảo luận căng thẳng.
Năm ngoái, Bangladesh đã chặn sử dụng Facebook, ứng dụng Messenger và một số ứng dụng chat khác trong suốt 22 ngày, viện dẫn lý do an ninh sau vụ ám sát hai người ngoại quốc và vụ tấn công vào đồn cảnh sát. Trước khi cấm Facebook, chính phủ đã chặn một số ứng dụng OTT phổ biến như WhatsApp và Viber vài ngày.
Hồi tháng 11 năm ngoái, bà Halim đã viết thư gửi Facebook, truyền đạt mong muốn thảo luật với hãng về một loạt các vấn đề liên quan đến Facebook và ứng dụng nhắn tin của hãng. Sau đó, bà đã có một cuộc gặp tại trụ sở Facebook châu Á Thái Bình Dương ở Singapore và cho phóng viên biết Facebook hứa sẽ hợp tác.
Trong báo cáo định kỳ nửa năm về yêu cầu của các chính phủ công bố hồi tháng Tư vừa qua, lần đầu tiên Facebook đáp ứng các yêu cầu từ chính phủ Bangladesh.
Từ giữa tháng 7-12 năm ngoái, Bangladesh đã tìm kiếm thông tin của 31 người dùng Facebook. Báo cáo của Facebook cho biết họ đã đáp ứng 16,67% yêu cầu.
Bà Halim cho biết Google cũng đã đồng ý xoá các video từ YouTube theo yêu cầu của chính phủ.