Facebook bị tố bỏ mặc thông tin người dùng cho đối tác

Facebook bị tố bỏ mặc thông tin người dùng cho đối tác
Tạp chí Nhịp sống số - Mạng xã hội lớn nhất hành tinh cho phép các nhà sản xuất thiết bị truy cập vào dữ liệu cá nhân người dùng nhưng lại không thể kiểm soát việc sử dụng thông tin này.

Facebook đã không giám sát các nhà sản xuất thiết bị trong việc sử dụng thông tin cá nhân của hàng triệu người dùng mà họ cho phép truy cập. Theo tờ Thời báo New York, việc này đã được đệ trình lên Quốc hội Mỹ vào tháng trước nhưng không xuất hiện rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Facebook phát hiện vấn đề kể từ năm 2013 nhưng lại không công bố công khai với người dùng. Công ty đã thừa nhận sự việc trong một bức thư gửi đến thượng nghị sĩ Ron Wyden, một người ủng hộ quyền riêng tư và thường xuyên đưa ra các chỉ trích nhằm vào Facebook.

Nội dung bức thư tiết lộ Facebook thỏa thuận cung cấp cho một số nhà sản xuất quyền truy cập đặc biệt vào dữ liệu người dùng. Hồi tháng 6, Facebook xác nhận rằng họ đã thực hiện điều này với Huawei, Lenovo, Oppo và TCL.

Đến tháng 7, mạng xã hội lớn nhất hành tinh tiếp tục thừa nhận đã chia sẻ dữ liệu người dùng với 61 nhà sản xuất phần cứng và phần mềm. Việc này đã kéo dài nhiều năm và chỉ dừng lại vào tháng 5/2015. Thỏa thuận chia sẻ dữ liệu được cho là sẽ giúp các nhà sản xuất mang "trải nghiệm Facebook" lên thiết bị di động. Có những thời điểm Facebook xem điều này là "tiêu chuẩn thực hành công nghiệp".

Facebook đã chịu sự giám sát chặt chẽ sau khi bê bối về việc Cambridge Analytica sử dụng dữ liệu người dùng để gây ảnh hưởng tới kết quả bầu cử Mỹ  bị phanh khui vào tháng 3 năm nay. CEO Facebook Mark Zuckerberg phải điều trần trước Quốc hội Mỹ và Nghị viện Châu Âu để trả lời các câu hỏi về việc quản lí dữ liệu người dùng.

Facebook cũng bị chỉ trích khi không thể ngăn chặn nguồn tin giả mạo lan tràn có nguồn gốc từ Nga. Một nhóm người dùng đã đăng tải, chia sẻ các thông tin sai lệch với ý đồ can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.

Ủy ban thương mại Mỹ (FTC) đã thông qua một phán quyết nhằm giám sát Facebook trong việc quản lí và chia sẻ dữ liệu người dùng. Theo đó, về vấn đề chia sẻ dữ liệu với các nhà sản xuất, Facebook phải đảm bảo rằng các ứng dụng của bên thứ ba chỉ có quyền truy cập vào dữ liệu cần thiết để hoạt động. Nhưng thực tế thì ứng dụng lại có quyền truy cập vào tất cả thông tin của người dùng.

FTC cũng yêu cầu Facebook chỉ được chia sẻ dữ liệu khi được sự đồng ý của người sử dụng. Mạng xã hội này còn phải thiết lập một chương trình bảo mật toàn diện và trong 20 năm tới, định kì 2 năm một lần thực hiện kiểm toán độc lập để chứng nhận hiệu quả bảo mật.

Hồi tháng 6 vừa qua, giới chức Mỹ cũng dấy lên mối lo ngại về việc Facebook cho phép Huawei truy cập vào dữ liệu người dùng. Hãng công nghệ khổng lồ đến từ Trung Quốc này là nhà sản xuất điện thoại di động lớn thứ 2 thế giới nhưng lại gặp nhiều cản trở tại Mỹ vì lí do an ninh.

Có thể bạn quan tâm