Phân tích gần 185.000 trang web lừa đảo năm 2021, công ty an ninh mạng toàn cầu Vade kết luận rằng các vụ lừa đảo mạo danh có xu hướng ngày càng phức tạp, tập trung vào các lĩnh vực như mạng xã hội, dịch vụ tài chính, điện toán đám mây, dịch vụ Internet. Trong đó, Facebook là thương hiệu bị lợi dụng nhiều nhất với tỷ lệ 14%, đứng ngay sau đó là Microsoft - chiếm 13%. Nếu đem so với kết quả năm trước đó, hai cái tên này đã hoán đổi vị trí của nhau.
Các kẻ lừa đảo nhắm đến người dùng Facebook tất cả các ngày trong tuần, thế nhưng tỷ lệ lừa đảo tập trung cao nhất vào hai ngày là thứ 2 và thứ 5. Ngoài ra, lừa đảo mạo danh xảy ra chủ yếu vào các khung thời gian hành chính và giảm mạnh vào cuối tuần. Theo các chuyên gia nhận định, đây là lúc người dùng nghỉ ngơi nên sẽ minh mẫn hơn và từ đó khả năng cao phát hiện ra các mối đe dọa dễ dàng hơn.
Lừa đảo mạo danh là hình thức tạo ra các trang web có tên miền dễ hiểu lầm với các trang nổi tiếng, từ đó dễ dàng "dụ" nạn nhân để cài mã độc hoặc "câu" lấy tài khoản hoặc thông tin cá nhân. Bên cạnh mạo danh Facebook, loại hình lừa đảo này tại Việt Nam cũng thường xuyên diễn ra với các website ngân hàng giả mạo - nhằm câu thông tin đăng nhập, mã OTP và thực hiện các lệnh chuyển tiền trái phép.
Theo Vade, xu hướng tấn công theo hình thức lừa đảo mạo danh mạng xã hội đã có sự tăng trưởng không ngừng trong ba năm qua. Bên cạnh Facebook, Netflix, LinkedIn, WhatsApp hay PayPal cũng là những thương hiệu lớn được giới lừa đảo yêu thích.
Top 20 thương hiệu được giới lừa đảo giả mạo ưa chuộng nhất
Các vụ lừa đảo mạo danh có liên quan đến các thương hiệu mạng xã hội chiếm 24%, liên quan đến các thương hiệu dịch vụ tài chính chiếm 35% và liên quan đến các dịch vụ đám mây chiếm 19%.