Trong báo cáo về việc thực hiện các nghị quyết, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề nghị Facebook triển khai định danh tài khoản và chỉ các tài khoản định danh mới được phép phát sóng trực tiếp (livestream).
Theo đề nghị của Bộ Thông tin và Truyền thông thì trước mắt, việc định danh người dùng sẽ áp dụng tại Hà Nội và TP HCM. Ngoài ra, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho biết mạng xã hội này cũng cần có chính sách tiền kiểm và gỡ các quảng cáo phát tán tin giả liên quan đến các vấn đề chính trị khi có yêu cầu từ Chính phủ.
Liên quan đến vụ việc này, ngày 19-8, đại diện Facebook tại Việt Nam đã có trả lời với Báo Người Lao Động về các thông tin liên quan. Theo đó, đại diện Facebook tại Việt Nam cho biết: "Facebook yêu cầu người dùng phải cung cấp danh tính thực của mình, và chúng tôi sẽ gỡ bỏ những tài khoản không sử dụng tên thật trên nền tảng của mình theo chính sách về thông tin sai lệch. Chúng tôi đầu tư rất nhiều vào công nghệ, con người để phát hiện và ngăn chặn các hành vi gian dối, bao gồm chặn việc tạo và sử dụng tài khoản giả. Chúng tôi cũng sử dụng công nghệ để chủ động tìm và loại bỏ các trường hợp có hành vi này".
Liên quan đến câu hỏi của báo Người Lao Động về yêu cầu gỡ bỏ nội dung từ phía Chính phủ Việt Nam, đại diện Facebook cho biết: "Quy trình phản hồi nội dung vi phạm của chúng tôi vẫn không thay đổi. Khi chúng tôi nhận được yêu cầu từ phía Chính phủ đề nghị gỡ xuống một nội dung, trước tiên chúng tôi sẽ xem xét báo cáo về việc không tuân thủ các Tiêu chuẩn cộng đồng và sẽ gỡ bỏ nội dung mà chúng tôi thấy vi phạm các tiêu chuẩn này. Nếu nội dung không vi phạm Tiêu chuẩn cộng đồng của chúng tôi, đội ngũ pháp lý của chúng tôi sẽ xem xét tính hợp lý của yêu cầu. Và nếu nội dung bị coi là bất hợp pháp ở địa phương đó, chúng tôi có thể hạn chế quyền truy cập vào nội dung ở quốc gia mà nội dung đó bị cho là bất hợp pháp - trong trường hợp này là Việt Nam. Quá trình này được thực hiện ở Việt Nam cũng giống như ở khắp nơi trên thế giới".
Cũng liên quan đến việc nhiều thông tin sai lệch, tin giả đang được phát tán nhiều trên Facebook tại Việt Nam, đại diện Facebook Việt Nam cho biết chiến lược để ngăn chặn thông tin sai lệch trên Facebook tại Việt Nam hiện gồm 3 phần:
1. Thứ nhất: Gỡ bỏ tài khoản và nội dung vi phạm Tiêu chuẩn cộng đồng và chính sách quảng cáo. Bao gồm tài khoản giả, nguồn chủ yếu phát tán thông tin sai lệch chính là từ các tài khoản giả này, thường là vì lợi ích tài chính. Facebook đã gỡ bỏ 2,2 tỉ tài khoản giả trong Quý 1/ 2019. Facebook cũng gỡ bỏ các thông tin sai lệch mà có căn cứ để tin rằng các thông tin này có nguy cơ dẫn đến hậu quả tiêu cực. Facebook đã làm việc với các đối tác tin cậy ở địa phương để xác định những nội dung này. Hiện tại, Facebook cũng xóa thông tin sai lệch có thể góp phần đàn áp cử tri và tuyên bố rằng những thảm kịch bạo lực (như các vụ xả súng hàng loạt) đã không xảy ra.
Thứ hai: Giảm thiểu phát tán thông tin sai lệch (được đánh dấu là tin giả bởi các đối tác xác minh dữ kiện bên thứ ba của Facebook) và nội dung không chính xác như clickbait (các nội dung bắt mắt, giật gân, thông tin sai lệch thu hút người xem nhấp chuột vào). Khi Facebook giảm thiểu phát tán nội dung được đánh dấu là tin giả, mức độ hiển thị các nội dung đó giảm trung bình 80% - đó là mức giảm đáng kể và có tác động lớn đến số lượng người xem. Facebook cũng dán nhãn rõ ràng vào nội dung là "Được đánh dấu là Tin giả", vì vậy cộng đồng của Facebook có thể thấy rõ rằng nội dung đó bị phát hiện là tin giả bởi đối tác xác minh dữ kiện bên thứ ba.
Thứ ba: Facebook xử lý toàn bộ các trang và trang web liên tục chia sẻ tin tức bị đánh dấu là tin giả, không cho phép các trang này chạy quảng cáo hoặc sử dụng các tính năng kiếm tiền của Facebook như Instant Articles. Như chúng ta biết đa số các hành vi này xuất phát từ động cơ tài chính, Facebook thấy đây là một công cụ răn đe hiệu quả.