FAIR 2022: Giải các bài toán về an toàn và bảo mật thông tin

Tạp chí Nhịp sống số - Hội nghị khoa học quốc gia lần thứ XV “Nghiên cứu cơ bản và ứng dụng Công nghệ thông tin” (FAIR 2022) sẽ diễn ra trong hay ngày 3-4/11 tại Hà Nội.

FAIR 2022 là sự kiện do Học viện Kỹ thuật mật mã phối hợp cùng Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức.

Với chủ đề "An toàn và bảo mật thông tin trong cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ IV", FAIR 2022 như một diễn đàn mở để các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học trong cả nước có cơ hội trao đổi, chia sẻ thông tin, thảo luận và công bố những công trình nghiên cứu khoa học cũng như kinh nghiệm trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, an toàn và bảo mật thông tin. 

FAIR 2022
FAIR 2022 sẽ tập trung giải các bài toán về an toàn và bảo mật thông tin

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đưa đến sự phát triển của công nghệ Internet tốc độ cao và công nghệ 5G, kết nối của mọi thiết bị di động, thiết bị IoT, máy tính bảng, smartphone cùng các dịch vụ OTT, M2M, Big Data, Cloud, người dùng thư điện tử, forum, mạng xã hội, lướt web, thương mại và thanh toán điện tử và ít quan tâm đến bảo mật. Đồng thời những hiểm họa khôn lường về an toàn thông tin và an ninh mạng đã trở thành vấn đề ưu tiên đối với mọi quốc gia, trong đó có Việt Nam. Hàng loạt cuộc tấn công xâm nhập, chiếm quyền điều khiển, lấy cắp, phá hoại dữ liệu đã không được kiểm tra, đánh giá, quản lý rủi ro về an toàn thông tin, dẫn đến không kịp thời phát hiện được nguy cơ, lỗ hổng, mã độc bị cài vào trong hệ thống.

Trong bối cảnh đó, FAIR 2022 tập trung vào giải quyết các bài toán về an toàn và bảo mật thông tin trong cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ IV. 

Cùng đó, FAIR 2022 còn tạo cơ hội tăng cường, mở rộng mối quan hệ hợp tác trong nghiên cứu khoa học giữa Học viện Kỹ thuật mật mã với các trường đại học tại Việt Nam. 

FAIR 2022 sẽ được tổ chức gồm 01 phiên toàn thể với 04 bài báo cáo mời và 05 phiên thảo luận song song về nhiều chủ đề chuyên sâu thuộc các lĩnh vực khoa học dữ liệu; cơ sở dữ liệu và hệ thống thông tin; trí tuệ nhân tạo và ứng dụng; xử lý ảnh và thị giác máy tính; mật mã và an toàn an ninh mạng dưới sự điều khiển, chủ trì của nhiều nhà khoa học uy tín trong cùng lĩnh vực.

Theo đại diện Ban tổ chức, FAIR 2022 sẽ thu hút hơn 130 báo cáo của các nhà nghiên cứu, giảng dạy và quản lý trong lĩnh vực này tham dự. Qua quy trình xét duyệt với tiêu chí là tính mới và tính thời sự của các nghiên cứu cơ bản, tính sáng tạo và tính cấp thiết của các nghiên cứu ứng dụng, ban chương trình đã lựa chọn ra 73 báo cáo để trình bày tại hội nghị lần này.

Các diễn giả chính bao gồm:

- PGS. TS. Nguyễn Hiếu Minh – Phó Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ mật mã với báo cáo mời “CÔNG NGHỆ BLOCKCHAIN TRƯỚC THÁCH THỨC CỦA MÁY TÍNH LƯỢNG TỬ”.

- PGS. TS. Lê Sỹ Vinh – Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội với báo cáo mời “NGHIÊN CỨU VÀ ỨNG DỤNG HỆ GEN NGƯỜI”.

- PGS. TS. Trần Đình Khang – Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội với báo cáo mời: “VỀ SỰ ẢNH HƯỞNG CỦA CÁC THAM SỐ MỜ HÓA TRONG THUẬT TOÁN PHÂN CỤM MỜ”.

- Và cuối cùng là PGS.TS. Đỗ Thanh Nghị - Trường Công nghệ thông tin – Truyền thông, Đại học Cần Thơ với báo cáo mời “GIẢI THUẬT MÁY HỌC VÉC-TƠ HỖ TRỢ CỤC BỘ CHO TẬP DỮ LIỆU LỚN”.

 

Có thể bạn quan tâm