Cục Điều tra Liên bang Hoa Kỳ (FBI) gần đây đã đưa ra cảnh báo cho người tiêu dùng về các ứng dụng tiền điện tử lừa đảo đã lừa đảo 244 nạn nhân cùng tổng số khoảng 42,7 triệu đô la kể từ tháng 10 năm 2021.
Cụ thể, tin tặc đã giả danh các công ty tiền điện tử hợp pháp để lừa các nhà đầu tư sử dụng các ứng dụng gian lận. Những phần mềm này được thiết lập giống nhau, gây nhầm lẫn nhận dạng thông tin với các công ty hợp pháp.
Tội phạm mạng liên hệ với các nhà đầu tư, tuyên bố cung cấp các dịch vụ đầu tư tiền điện tử hợp pháp và thuyết phục các nạn nhân tải xuống các ứng dụng di động giả mạo để lừa tiền của họ.
Sau khi tải xuống ứng dụng có tên và biểu tượng của một công ty tiền điện tử thực tế, tin tặc sẽ thuyết phục người dùng gửi tiền điện tử vào ví có liên kết với tài khoản mới của họ. Tuy nhiên nạn nhân sẽ không thể rút được bất cứ khoản tiền nào từ ví.
Sau đó, nạn nhân sẽ nhận được thông báo rằng trước tiên họ cần phải trả thuế cho các khoản đầu tư của mình. Ngay cả khi đã thanh toán thêm số thuế này, các khoản tiền của họ vẫn bị khoá.
Ước tính đã có 244 nạn nhân mắc bẫy với tổng thiệt hại lên tới 42,7 triệu USD trong vòng 8 tháng kể từ tháng 10/2021 đến tháng 5/2022.
Trong một trường hợp cụ thể, tội phạm mạng đóng giả là nhân viên của công ty YiBit, một sàn giao dịch tiền điện tử đã ngừng hoạt động vào năm 2018. Chúng đã đánh cắp khoảng 5,5 triệu USD từ 4 nạn nhân khác nhau.
Một trường hợp khác, tội phạm giả danh một tổ chức tài chính của Mỹ và đã lừa đảo 3,7 triệu USD từ các nhà đầu tư.
Các ứng dụng được FBI nhắc đến có tên như: Supayos, hoặc Supay, Twitter Crypto, Ledger Live... Người dùng được yêu cầu gửi tiền và sau đó tài khoản bỗng chốc bị đóng băng, rồi số tiền trong đó "tự dưng" biến mất.
FBI khuyến cáo các nhà đầu tư nên cảnh giác với những lời nhắc cài đặt ứng dụng từ các cá nhân không xác định. Cơ quan này cũng khuyến nghị người dùng cần xác minh rằng công ty đứng sau các ứng dụng đó là hợp pháp trước khi cung cấp cho họ bất kỳ thông tin tài chính cá nhân nào.