Theo tờ Nikkei, kể từ giữa năm 2007, khi Apple ra mắt phiên bản iPhone đầu tiên, Foxconn trở thành hãng lắp ráp hợp đồng lớn nhất của công ty này và nhận được chú ý của giới quan sát công nghệ.
Giảm phụ thuộc doanh thu vào iPhone
Foxconn hiện là hãng sản xuất điện tử theo hợp đồng lớn nhất thế giới với 700.000 công nhân ở Trung Quốc, giảm từ 1 triệu người sau khi tự động hóa nhiều quy trình.
Hiện Foxconn lắp ráp iPhone chủ yếu tại Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, còn được biết đến là "thành phố iPhone". Nhà máy tại Trịnh Châu có hơn 350.000 công nhân, xuất xưởng 500.000 chiếc iPhone mỗi ngày.
Foxconn lắp ráp khoảng 70% trong số 210 triệu chiếc iPhone mỗi năm, theo Hãng tư vấn đầu tư Yuanta Investment Consulting tại Đài Bắc. Một số đối thủ nhỏ tại Đài Loan của công ty này Pegatron và Wistron.
Từ đầu năm đến nay, cổ phiếu Foxconn tăng hơn 40% nhờ phiên bản iPhone mới sắp ra mắt, nâng giá trị vốn hóa của công ty này lên hơn 129 tỷ USD, lớn hơn Sony và Nintendo.
Dù là đối tác lớn của Apple, tỷ suất lợi nhuận của Foxconn trong thương vụ này khá nhỏ. Tỷ suất lợi nhuận của Foxconn chỉ là 7% so với con số 40% của các hãng điện tử lớn như Sony và Nintendo. Do đó, công ty này đang tìm cách thâu tóm các hãng cung cấp linh kiện chủ chốt cho iPhone.
Từ năm 2013, phụ thuộc doanh thu của Foxconn vào Apple bắt đầu giảm tốc. Năm ngoái, hợp đồng với Appel chiếm tới 54% doanh thu 142 tỷ USD của Foxconn, giảm 2% so với năm 2015 do doanh số iPhone 7 không được như mong đợi.
Ngoài iPhone, Foxconn cũng lắp ráp iPads, máy đọc sách Kindle cho Amazon.com, máy chơi game cho Sony và Nintendo, robot Pepper cho SoftBank Group, hay server cho HP.
Tham vọng phát triển thương hiệu riêng
Tuy nhiên, giờ đây, Foxconn không muốn chỉ lắp ráp sản phẩm cho công ty khác mà muốn sản xuất linh kiện giá trị cao và phát triển thương hiệu của riêng mình.
Terry Gou, nhà sáng lập, chủ tịch tập đoàn Hon Hai Precision Industry, không ngừng tìm cách mở rộng đế chế của mình bằng các thương vụ thâu tóm và dự án phát triển.
Năm ngoái, Foxconn mua lại hãng điện tử biểu tượng một thời của Nhật Sharp – công ty đang sản xuất tấm màn hình cho iPad và iPhone. Sharp đang giúp Foxconn đạt mục tiêu đó nhờ các dòng sản phẩm gia dụng và TV nổi tiếng của mình.
Một trong những lý do Foxconn mua lại Sharp năm ngoái là bởi công ty này là nhà cung cấp màn hình tinh thể lỏng cho iPhone. Foxconn tin rằng Sharp có thể sản xuất màn hình OLED cho di động thông minh.
Chíp xử lý lõi và màn hình là hai linh kiện đắt nhất trong một chiếc di động thông minh, trong khi đó chíp nhớ lại là một nguồn thu lợi nhuận khác. Đó là lý do Gou hiện muốn mua lại mảng chíp nhớ của Toshiba, dù việc này vướng phải sự ngăn cản của giới chức Nhật Bản bởi sợ rằng công nghệ này sẽ rơi vào tay người Trung Quốc.
Gou cũng nhận ra rằng nếu cứ tiếp tục phụ thuộc vào mảng lắp ráp, tỷ suất lợi nhuận của Foxconn sẽ mãi thấp như vậy, trong khi doanh số di động thông minh toàn cầu có xu hướng giảm. Hãng này muốn phát triển các sản phẩm mang thương hiệu của riêng mình.
Foxconn hiện đang xây dựng thương hiệu TV và di động thông minh riêng mang tên InFocus, dù chưa đạt được nhiều thành công ở thị trường nước ngoài.
Trong một thông cáo, Foxconn cho biết đã xác định một số lĩnh vực chủ chốt trong kế hoạch phát triển, bao gồm thiết bị di động, Internet vạn vật, dữ liệu lớn, "cuộc sống thông minh", tự động hóa công nghiệp 4.0, robot và công nghệ hiển thị TV tiên tiến.
Dù chi phí lao động thấp tại Trung Quốc giúp iPhone vừa túi tiền hơn với tầng lớp trung lưu trên thế giới và góp phần không nhỏ vào sự thành công của Foxconn, Gou vẫn dự định mở hai nhà máy màn hình tại Mỹ.
"Chúng tôi sẽ tạo ra hàng chục nghìn việc làm", Gou chia sẻ với báo giới hồi tháng 6. "Cả Foxconn và Sharp sẽ đầu tư hơn 10 tỷ USD vào Mỹ trong 5 năm".
Gou, 66 tuổi, được gọi là Sếp lớn (Big Boss) trong công ty, vẫn làm việc để dẫn dắt các mục tiêu chủ chốt của Foxconn, đặc biệt là kế hoạch mở rộng sang Mỹ.
Tuy nhiên, theo Vincent Chen, Chủ tịch của hãng dịch vụ tài chính Yuanta của Đài Loan, trong số các thương hiệu Foxconn đang nắm giữ, Sharp có lẽ là quan trọng nhất và nếu cố phát triển Sharp, "xung đột lợi ích sẽ xảy ra" khi mà Foxconn vẫn lắp ráp thiết bị cho các công ty khác.
"Trong tương lai, Foxconn có thể sẽ khó sống nếu không có Apple bởi hợp đồng với hãng này quá lớn để mất đối với Foxconn", Chen nói thêm.