Theo Nikkei, Fugaku của Nhật Bản hôm 16/11 tiếp tục giành được danh hiệu siêu máy tính nhanh nhất thế giới lần thứ tư, mặc dù đối thủ từ Mỹ hoặc Trung Quốc đang sẵn sàng cướp ngôi vương trong năm tới. Danh sách TOP500 thường được công bố vào tháng 6 và tháng 11 hằng năm bởi một hội đồng chuyên gia. Fugaku đã giữ vị trí đầu bảng về tốc độ kể từ tháng 6/2020.
Dựa trên danh sách xếp hạng siêu máy tính TOP500, siêu máy tính Fugaku do Fujitsu và viện nghiên cứu quốc gia Riken của Nhật Bản hợp tác phát triển đạt tốc độ tính toán 442 petaflop, tương đương với hàng triệu tỉ phép toán dấu phẩy động mỗi giây, nhanh gần gấp ba lần tốc độ của siêu máy tính Summit do IBM chế tạo, vốn ở mức 148 petaflop.
Fugaku bắt đầu hoạt động toàn diện vào tháng 3/2021. Siêu máy tính này được sử dụng để mô phỏng sự lây lan của virus corona thông qua sự phân tán giọt. Nó cũng tham gia vào dự báo các trận mưa lớn và những hiện tượng thời tiết khác. Fugaku còn được triển khai trong một loạt ứng dụng công nghiệp. Tháng trước, Kawasaki Heavy Industries bắt đầu sử dụng Fugaku để chạy mô phỏng có độ chính xác cao nhằm đánh giá khả năng tiết kiệm nhiên liệu và tốc độ bay của máy bay. Fugaku đã cho phép DMG Mori Seiki tính toán kết quả thử nghiệm gia công các công cụ trong 10 phút, thay vì phải mất tám giờ cần thiết để thử nghiệm trong thực tế.
Ngoài tốc độ tính toán, Fugaku còn giành chiến thắng lần thứ tư liên tiếp trong ba hạng mục, bao gồm cả trí tuệ nhân tạo (AI). Siêu máy tính MN-3 được phát triển bởi công ty khởi nghiệp Preferred Networks có trụ sở tại Tokyo giành được danh hiệu hiệu quả năng lượng lần thứ hai liên tiếp.
Dù vậy, việc Fugaku đánh mất vị trí đầu bảng có thể chỉ còn là vấn đề thời gian. Mỹ và Trung Quốc đang không ngừng phát triển các siêu máy tính có khả năng thực hiện ít nhất 1 exaflop. Một exaflop sẽ bằng 1.000 petaflop, tương đương 1 tỉ tỉ phép tính mỗi giây. Có ba siêu máy tính với tốc độ đó được cho là đang sản xuất ở Mỹ và Trung Quốc. Hệ thống Frontier ở Mỹ có thể là siêu máy tính exaflop đầu tiên đi vào hoạt động cuối năm nay. Trong khi đó, tại Trung Quốc, hệ thống kế nhiệm Sunway TaihuLight và Tianhe-2, hai hệ thống đứng đầu danh sách từ năm 2013 đến năm 2017, đang được tìm cách phát triển để kịp vươn lên trên bảng xếp hạng vào tháng 6/2022.
Nhật Bản muốn xây dựng dựa trên những thành tựu của Fugaku. Tháng 8/2021, một nhóm công tác thuộc Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản cho biết, một siêu máy tính kế nhiệm Fugaku “là điều cần thiết để tăng cường khả năng cạnh tranh công nghiệp và giải quyết các thách thức xã hội”.
Tuy nhiên, nước này vẫn chưa có kế hoạch phát triển siêu máy tính thế hệ tiếp theo. Một dự án phát triển mới có thể được tiết lộ vào khoảng năm 2023. Dựa trên thời gian cần thiết để thiết kế và xây dựng một hệ thống siêu máy tính, người kế nhiệm của Fugaku dự kiến sẽ không thể hoạt động sớm hơn nửa cuối thập niên này.
Siêu máy tính được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực, bao gồm an ninh quốc gia, dự báo thời tiết và phát triển các phương tiện tự hành. Việc chậm trễ trong việc phát triển siêu máy tính tiếp theo Fugaku có thể khiến Nhật Bản mất đi lợi thế cạnh tranh trong một số lĩnh vực.