Theo hãng
Kinh doanh điện thoại thông minh ngày một khó khăn hơn.
Gartner phân tích, thị trường điện thoại thông minh toàn cầu đang mắc phải chứng “chán điện thoại", đặc biệt là điện thoại thông minh. Một mặt, do các mẫu điện thoại mới thiếu sức lôi cuốn và tính năng không có nhiều đột phá. Mặt khác các mạng di động, như ở thị trường Mỹ, đã dần loại bỏ các chương trình trợ giá, mua trả góp.
Cùng với đó, là xu thế quay trở lại với các dòng điện thoại “cục gạch”, chỉ để gọi và nhắn tin.
Một nguyên nhân nữa khiến đà tăng trưởng ở thị trường điện thoại thông minh bị chững lại là do việc sở hữu điện thoại thông minh đã đạt đến điểm bão hòa ở các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu và Nhật Bản.
Theo Gartner, ở các thị trường phát triển, trung bình mỗi chủ sở hữu đang giữ điện thoại thông minh của họ trong khoảng 2,5 năm, trong khi ở các thị trường mới nổi, người dùng giữ một chiếc điện thoại thông minh khoảng 2,2 - 2,5 năm và với điện thoại cơ bản ít nhất là 3 năm.
Hiện, ngành công nghiệp điện thoại thông minh bắt đầu chuyển hướng kinh doanh, tập trung vào thị trường đông dân thứ 2 thế giới - Ấn Độ, nơi dự báo sẽ có 139 triệu điện thoại thông minh được bán ra trong năm nay. Nhưng các dòng điện thoại thông minh cao cấp lại nằm ngoài tầm với của hầu hết người tiêu dùng Ấn Độ, giá bán trung bình ở đây luôn ở dưới 70 USD/chiếc điện thoại di động.
Còn Trung Quốc - quốc gia đông dân nhất thế giới, vốn được đánh giá là thị trường mang lại nhiều cơ hội cho các nhà cung cấp điện thoại thông minh, nhưng nay cũng đã đạt ngưỡng bão hòa và dự kiến sẽ bị “mắc kẹt” trong tình trạng này ít nhất là 5 năm tới, theo Gartner.