Theo CNBC, cuối tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump viết trên Twitter rằng Apple nên sản xuất tại Mỹ để tránh thuế quan áp lên hàng hóa nhập từ Trung Quốc mà ông đã đề xuất. Tổng thống Mỹ viết: “Giá sản phẩm của Apple có thể tăng vì thuế quan khủng mà chúng ta có thể áp lên hàng Trung Quốc, song có giải pháp thực sự dễ dàng, giúp thuế về 0 và thực sự nó còn là sự ưu đãi về thuế. Hãy sản xuất sản phẩm tại Mỹ thay vì Trung Quốc. Hãy bắt đầu xây dựng nhà máy mới ngay”.
Ông Trump đăng post trên một ngày sau khi bức thư Apple gửi Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer được công bố. Trong thư, Apple thẳng thắn rằng thuế quan đề xuất áp lên 200 tỉ USD hàng hóa nhập khẩu từ Đại lục sẽ ảnh hưởng đến giá Apple Watch, AirPods, Mac mini và Apple Pencil.
Hôm 10/9, ngân hàng Bank of America Merrill Lynch đưa ra nhận định Apple có thể phản ứng với áp lực từ ông Trump bằng cách yêu cầu các đối tác đưa một số hoạt động lắp ráp vào Mỹ.
“Đem sản xuất về lại Mỹ dường như vừa quay lại chương trình nghị sự của Tổng thống Donald Trump. Chúng tôi tin rằng Apple có thể yêu cầu Hon Hai và Pegatron chuyển một phần nhỏ sản xuất iPhone đến Mỹ để đáp ứng yêu cầu của Tổng thống Trump”, chuyên gia Wamsi Mohan thuộc Bank of America Merrill Lynch viết trong lưu ý gửi đến khách hàng.
Chuyên gia Mohan kết luận rằng để sản phẩm iPhone (hiện chưa bị ảnh hưởng bởi thuế quan trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc) được chuyển nơi sản xuất (100% lắp ráp cuối cùng ở Mỹ), giá phải tăng 20% để bù đắp chi phí lao động cao hơn.
Ông Mohan cho rằng trong kịch bản khả thi nhất là Apple chuyển 10% hoạt động lắp ráp iPhone về Mỹ, giá bán trung bình của iPhone sẽ tăng thêm 8%. Ông cũng cho biết nếu Apple đưa 50 hoặc 100% hoạt động lắp ráp iPhone về nước, giá iPhone sẽ tăng lần lượt 14% hoặc 20%. Chuyên gia này còn tái đánh giá cổ phiếu Apple và đặt mục tiêu giá 250 USD/cổ phiếu.
Trong ngày giao dịch 10/9, cổ phiếu nhiều nhà cung ứng cho Apple tại châu Á giảm mạnh cũng vì thông tin trên. Cổ phiếu Luxshare Precision, Shenzhen Sunway Communication và Suzhou Dongshan Precision Manufacturin ở Trung Quốc giảm đến 10%. Lens Technology, Universal Scientific Industrial Shanghai và Suzhou Anjie Technology giảm từ 6-8%.
Ở Đài Loan, hãng sản xuất ống kính máy ảnh Largan Precision có cổ phiếu giảm gần 8%, trong khi Foxconn (tên chính thức là Hon Hai Precision Industry) có cổ phiếu giảm 3,4%. Pegatron và ASE Technology thì lao dốc gần 4% và 2,9%.
Công nghệ là một trong các ngành có nguy cơ chịu thiệt hại nặng nhất nếu Washington kiên quyết áp thuế quan lên 200 tỉ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, vì thuế quan sẽ khiến các bộ phận máy tính nhập khẩu đắt đỏ hơn. Cuối tuần trước, ông Trump còn nói ông sẵn sàng áp thuế lên toàn bộ sản phẩm nhập khẩu từ Đại lục, dọa áp thuế lên 267 tỉ USD giá trị hàng hóa.