Giá cước di động có thể giảm mạnh trong thời gian tới

Giá cước di động có thể giảm mạnh trong thời gian tới
Tạp chí Nhịp sống số - Giá cước giữa các nhà mạng sẽ giảm so với mức cước hiện hành, áp dụng từ ngày 1/6. Điều này sẽ tạo điều kiện để các đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông tính đến phương án giảm giá cước tin nhắn, cuộc gọi.

Giá cước cuộc gọi, tin nhắn sắp giảm mạnh

Giảm 13%-20%

Theo dự thảo, trường hợp hai mạng di động kết nối trực tiếp với nhau, mạng di động khởi phát cuộc gọi phải trả 400 đồng/phút cước kết nối cho Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel hoặc 480 đồng/phút đối với cuộc gọi kết cuối vào mạng di động của doanh nghiệp (DN) khác.

Ví dụ, khi thuê bao MobiFone gọi cho thuê bao nhà mạng Viettel thì nhà mạng MobiFone phải trả cho Viettel 400 đồng/ phút. Nhưng ở chiều ngược lại, thuê bao Viettel gọi cho thuê bao MobiFone thì Viettel lại phải trả cho MobiFone đến 480 đồng/phút. Sở dĩ có chênh lệch giá này là vì Viettel hiện là công ty viễn thông có “vị trí thống lĩnh thị trường”.

Cũng theo dự thảo, giá cước kết nối đối với bản tin nhắn (SMS) cho người sử dụng giữa hai mạng di động như sau: Mạng di động khởi phát bản tin nhắn cho người sử dụng trả mạng di động kết cuối bản tin nhắn giá cước kết nối 120 đồng/phút đối với bản tin nhắn kết cuối vào mạng di động của Viettel và 150 đồng/ phút đối với bản tin nhắn kết cuối vào mạng di động của DN khác. Các mức giá cước kết nối quy định tại dự thảo thông tư này chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng.

Như vậy, so với mức cước quy định hiện hành thì mức cước trong dự thảo trên đã giảm 13%-20%. Cụ thể, mức cước hiện quy định trong Thông tư 33/2009 là 500 đồng và 550 đồng/phút, tới đây giảm chỉ còn trên 400 đồng/phút.

Một số ý kiến cho rằng việc giảm giá cước kết nối sẽ giúp đẩy nhanh quá trình thu hẹp khoảng cách về giá cước giữa việt Nam với các nước.

Kỳ vọng giá cước giảm

Nhiều người thắc mắc: Mức cước giảm theo dự thảo là cước thanh toán giữa các nhà mạng di động trả cho nhau. Vậy với người dùng, việc giảm mức cước này liệu có kéo giảm giá cước mà người dùng thuê bao di động phải trả cho nhà mạng?

Nhiều công ty viễn thông từng phân tích cước kết nối là một thành phần quan trọng trong giá thành, có thời điểm chiếm trên 50% chi phí của một phút gọi di động. Do đó việc giảm cước kết nối so với quy định cũ giúp các nhà mạng tiết kiệm một phần chi phí, đặc biệt khi kết nối ngoại mạng.

Nhờ vậy, giảm cước kết nối cũng giúp DN có thể giảm giá cước cho người dùng di động. Cụ thể với dự kiến giảm giá cước kết nối 13%-20% như dự thảo của Bộ TT&TT, người dùng di động kỳ vọng được giảm giá cước ở mức tương ứng.

Anh Trần Minh Hoàng, chủ một cửa hàng kinh doanh SIM di động tại quận Tân Bình, TP.HCM, cho biết hiện nay mức cước của từng loại thuê bao có khác nhau, tùy vào nhu cầu sử dụng mà người dùng lựa chọn. Người thường gọi nhiều, ít nhắn tin có thể chọn gói cước của nhà mạng có cước gọi giá thấp, cước nhắn tin giá cao. Giới trẻ, nhất là sinh viên thường nhắn tin, ít gọi thì chọn ngược lại.

“Trước đây, khi giá cước kết nối giảm, các nhà mạng xin Bộ TT&TT cho giảm cước, sau đó được Bộ chấp nhận cho giảm. Tôi nghĩ rằng lần này các DN cũng sẽ tính toán đến việc giảm giá cước cho người tiêu dùng khi cước kết nối được điều chỉnh giảm. Tuy nhiên, việc giảm hay không và giảm cụ thể bao nhiêu còn phụ thuộc vào các nhà mạng hợp tác với nhau thế nào” - anh Hoàng phân tích.

Ông Nguyễn Duy Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Viettel, cho rằng hàng chục năm trước, khi giá cước lên đến khoảng 3.500 đồng/phút thì việc giảm giá cước rất được người dùng trông đợi. Tuy nhiên, hiện nay sự kỳ vọng này không còn cao như trước.

“Đương nhiên là người dùng vẫn muốn giá cước rẻ hơn nữa. Trước mắt các nhà mạng đều có các chương trình khuyến mãi tặng thêm giá trị, gần như tháng nào cũng có, có 1-2 lần” - ông Tuấn nói.

Một chuyên gia phân tích thêm, việc giảm giá cước kết nối chỉ là một trong các yếu tố giúp giảm chi phí của DN. Như vậy DN phải tính toán tiết kiệm các khoản chi phí khác nữa mới có thể giảm mạnh cước viễn thông.

Có thể bạn quan tâm

Tập đoàn hàng đầu về quản lý năng lượng, Schneider Electric đã phát triển nhiều dòng APC UPS tân tiến trong 4 thập kỷ, giúp đảm bảo nguồn điện ổn định và tối ưu hóa tiêu thụ năng lượng, hỗ trợ trung tâm dữ liệu giảm thiểu dấu chân carbron, hướng đến phát triển bền vững.