Gia tăng tình trạng bất bình đẳng về kinh tế kỹ thuật số

Gia tăng tình trạng bất bình đẳng về kinh tế kỹ thuật số
Tạp chí Nhịp sống số - Theo UNCTAD, sự giàu có trong nền kinh tế kỹ thuật số tập trung chủ yếu ở Mỹ và Trung Quốc, trong khi phần còn lại của thế giới bị tụt lại phía sau.

Ngày 4/9, Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) lần đầu tiên công bố Báo cáo kinh tế kỹ thuật số 2019, qua đó phác thảo những lợi ích tiềm năng to lớn, chi phí phát triển, luồng vốn và những dòng chảy dữ liệu trong nền kinh tế kỹ thuật số của thế giới.

Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, báo cáo cho thấy sự giàu có trong nền kinh tế kỹ thuật số tập trung chủ yếu ở Mỹ và Trung Quốc, trong khi phần còn lại của thế giới, đặc biệt là các quốc gia ở châu Phi và Mỹ Latinh, bị tụt lại phía sau.

Mỹ và Trung Quốc chiếm 75% tổng số bằng sáng chế liên quan đến công nghệ blockchain (chuỗi khối), 50% chi tiêu toàn cầu cho Internet vạn vật (IoT), hơn 75% thị trường điện toán đám mây và tới 90% giá trị vốn hóa thị trường của 70 công ty nền tảng công nghệ (platform) kỹ thuật số lớn nhất thế giới.

Khoảng cách giữa các quốc gia không được kết nối và các nước siêu số hóa sẽ ngày càng mở rộng và làm gia tăng sự bất bình đẳng, nếu không có những nỗ lực phối hợp toàn cầu để truyền bá nền kinh tế kỹ thuật số.

Báo cáo cũng dành sự quan tâm đặc biệt đến dữ liệu số và nền tảng kỹ thuật số, hai động lực chính giúp tạo ra giá trị trong nền kinh tế kỹ thuật số.

Báo cáo lưu ý rằng 40% trong số 20 công ty lớn nhất thế giới theo vốn hóa thị trường có mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ.

Bảy công ty "siêu nền tảng" gồm Microsoft, Apple, Amazon, Google, Facebook, Tencent và Alibaba chiếm 2/3 tổng giá trị thị trường của 70 công ty nền tảng công nghệ hàng đầu.

Tổng giá trị của các công ty nền tảng công nghệ có vốn hóa thị trường hơn 100 triệu USD ước tính lên tới hơn 7.000 tỷ USD trong năm 2017, tăng hơn 67% so với năm 2015.

Một số công ty nền tảng công nghệ kỹ thuật số đã phát triển thống trị trong một vài lĩnh vực.

Google chiếm khoảng 90% thị trường tìm kiếm trên Internet, trong khi Facebook chiếm 2/3 thị trường mạng xã hội toàn cầu và là nền tảng công nghệ mạng xã hội hàng đầu trong hơn 90% các nền kinh tế thế giới.

Tại Trung Quốc, WeChat (thuộc sở hữu của Tencent) có hơn một tỷ người sử dụng. Giải pháp thanh toán của ứng dụng này và Alipay (thuộc sở hữu của Alibaba) đã chiếm gần như toàn bộ thị trường Trung Quốc cho các thanh toán di động.

Trong khi đó, Alibaba ước tính chiếm gần 60% thị trường thương mại điện tử Trung Quốc.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres cảnh báo với các chính sách và quy định hiện hành, xu hướng này sẽ có thể tiếp tục, góp phần làm gia tăng sự bất bình đẳng.

Ông kêu gọi cần nỗ lực thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số, khi có hơn một nửa thế giới bị hạn chế hoặc không có quyền truy cập Internet, và cần xây dựng một nền kinh tế kỹ thuật số mang lại lợi ích cho tất cả mọi người.

Trong khi đó, Tổng Thư ký UNCTAD Mukhisa Kituyi cho rằng cần đáp ứng mong muốn của người dân ở các nước đang phát triển tham gia vào thế giới kỹ thuật số mới, không chỉ là người dùng và người tiêu dùng, mà còn cả các nhà sản xuất, xuất khẩu và các nhà đổi mới, nhằm tạo ra và nắm bắt nhiều giá trị hơn trên con đường hướng tới sự thịnh vượng bao trùm.

Theo quan chức này, để đảm bảo một tương lai kỹ thuật số cho nhiều người, các chiến lược phát triển quốc gia cần tìm cách thúc đẩy nâng cấp kỹ thuật số (bổ sung giá trị) trong chuỗi giá trị dữ liệu và tăng cường năng lực trong nước, cho phép xây dựng các công ty có khả năng trong nước nhằm tạo ra và nắm bắt giá trị.

Có thể bạn quan tâm