Giải pháp này liên quan đến việc triển khai thêm nhiều tháp tín hiệu 5G. Nhờ mạng kết nối dày đặc hơn, các nhà nghiên cứu tin rằng họ có thể cải thiện thời lượng pin smartphone lên đến 50% - một con số có thể thay đổi hiệu quả thói quen sử dụng sản phẩm của mọi người.
Tài liệu được xuất bản bởi nhóm các nhà khoa học có tên là "Densify and Conquer", một tiêu đề rất rõ ràng về đề xuất mô tả tương lai mạng 5G ở các thành phố lớn. Họ cho biết: "Chiến lược mật độ hóa như vậy khắc phục được hai vấn đề chính. Nó có khả năng tiết kiệm năng lượng khoảng 3 lần bằng cách tránh tổn thất tín hiệu không dây lớn do phạm vi phủ sóng cao và cũng giúp cải thiện 50% thời lượng pin cho smartphone được kết nối với mạng dày đặc do được đặt gần hơn và ở độ cao thấp hơn".
Nội dung tài liệu nêu, mỗi tháp 5G sẽ có phạm vi tín hiệu yếu hơn. Tuy nhiên, điều này sẽ được bù đắp bằng mức tiêu thụ năng lượng thấp hơn và độ ổn định tín hiệu cao hơn cho tất cả người dùng. Mạng 5G càng dày đặc thì tín hiệu từ mỗi smartphone được kết nối càng mạnh và ổn định hơn. Bằng cách này, thiết bị sẽ phải truyền các gói dữ liệu nhỏ hơn, dẫn đến mức tiêu thụ tài nguyên năng lượng thấp hơn.
Trong khi đó, với các tháp 5G lớn, khi tín hiệu mạng yếu, smartphone buộc phải gửi các gói dữ liệu lớn hơn để có thể đến được các tháp tín hiệu ở xa, dẫn đến tiêu hao năng lượng nhiều hơn.
Đề xuất được nhóm nhà khoa học này đưa ra nêu rõ mỗi tháp 5G chỉ phải cao 15 mét, có nghĩa chúng có thể được lắp đặt trên đỉnh của các cột đèn hoặc tòa nhà. Họ cho biết cách tiếp cận này không thể thực hiện được trong thời đại mạng 4G do thế hệ mạng di động mới có khả năng di chuyển giữa các tháp tín hiệu tương đối liền mạch - một điều chưa từng thấy trong phiên bản tiền nhiệm.
Đề xuất này cũng có lợi ích trong việc giảm lượng khí thải carbon của người dân. Tất cả là vì chúng ta sẽ mất ít thời gian hơn khi cắm sạc smartphone và bản thân các tháp 5G cũng sẽ tiêu thụ ít năng lượng hơn.